Cập nhật lúc:
4/22/2012 10:20:26 PM
Giá cả hàng hóa ở các chợ tăng từ một đến vài ngàn đồng/ký, tùy mặt hàng. Các doanh nghiệp kinh doanh hàng ở siêu thị dự định tăng giá 5%-10%; giá dịch vụ taxi, vận chuyển hành khách cũng tăng khoảng 5%...
Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu theo quyết định của Bộ Tài chính từ 20 giờ ngày 20-4 đã khiến giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ tăng theo ngay trong ngày hôm qua, 21-4. Dự kiến trong những ngày tới, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cũng sẽ thi nhau tăng giá theo giá xăng dầu.
Rục rịch tăng giá
Khảo sát các chợ tại TPHCM ngày 21- 4 cho thấy giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu rục rịch tăng theo giá xăng. Tại các chợ đầu mối, nhiều tiểu thương cho biết những người chở thuê hàng hóa về các chợ lẻ đòi tăng giá từ vài chục ngàn đồng cho đến gần cả trăm ngàn đồng/chuyến. Một người chạy ba gác ở chợ đầu mối nông sản (huyện Hóc Môn-TPHCM) nói: “Hồi đầu tháng 3 vừa qua (ngày 7- 3), giá xăng dầu đã tăng khá cao, nay lại tăng tiếp, buộc mình cũng phải tăng giá vận chuyển, chứ không sao gánh nổi”.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, cho biết giá nhiều mặt hàng rau củ về chợ gần đây đã bắt đầu nhích lên một vài ngàn đồng/ký, tùy mặt hàng. Theo bà Hà, chắc chắn trong vài tuần tới, giá các loại hàng hóa, dịch vụ ở các chợ sẽ “ăn theo” giá xăng, tiếp tục tăng.
Theo ông Ngô Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart, những doanh nghiệp trước đây chưa tăng giá cho biết trong vài ngày tới sẽ điều chỉnh, với mức tăng dự kiến từ 5%-10%. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm sẽ được tập trung điều chỉnh tăng giá. Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q. Tân Bình), cho biết các doanh nghiệp đang kết hợp với siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để giải phóng hàng. Tuy nhiên, cũng có khoảng 20 nhà cung cấp vào siêu thị điều chỉnh mức giá tăng từ 8%- 10%.
Trong khi đó, theo đánh giá của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhiều mặt hàng buôn bán trong các siêu thị hiện có lượng hàng tồn lớn lên đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, cho dù có tăng theo giá xăng dầu thì mức tăng cũng sẽ không đáng kể.
Sẽ tăng cước vận tải
Nhiều đơn vị vận tải hàng hóa cho biết đợt tăng giá xăng dầu tháng 3 vừa qua, trong khi họ chưa thể đàm phán được với khách hàng thì nay xăng dầu tăng tiếp buộc họ phải điều chỉnh giá cước tăng khoảng 5% trong nay mai.
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, nhìn nhận trong đợt tăng giá xăng dầu hồi đầu tháng 3, giá cước vận tải cũng đã tăng 3%. Nay giá dầu tăng 500 đồng/lít, với biên độ tăng ít nên khó đàm phán với khách hàng để điều chỉnh giá cước; bởi theo hợp đồng, việc điều chỉnh giá cước chỉ xảy ra khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm 5%. Tuy nhiên, trong đợt tăng giá xăng dầu lần này sẽ có một số chủ đầu xe điều chỉnh tăng giá cước khoảng 5% do trước đó họ chưa đàm phán được mức tăng.
Hầu hết các hãng taxi đang lúng túng trước việc tăng giá xăng dầu. Đại diện hãng taxi Vinasun phân tích với mức tăng 900 đồng/lít xăng, bình quân một taxi sử dụng khoảng 20 lít xăng/ngày sẽ tiêu tốn thêm 18.000 đồng/ngày. Khoản phát sinh này hãng phải bù lỗ cho tài xế nên nếu kéo dài thì khó có thể gồng gánh nổi. Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, thời gian giữa hai lần tăng giá xăng dầu quá gần nhau nên rất khó để tính toán. “Tuy nhiên, trước sau gì cũng phải điều chỉnh giá cước taxi tăng, nếu không, doanh nghiệp sẽ chết” - ông Hỷ nói.
Một số đơn vị dịch vụ vận tải du lịch cũng cho biết giá xăng dầu tăng bao nhiêu thì họ tăng tương ứng ngay lập tức. Ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm HTX Vận tải Liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng (TPHCM), nói: “Giá thuê xe du lịch trong dịp lễ 30-4 này đều tăng 20% so với ngày thường, nay giá xăng dầu tăng buộc chúng tôi phải điều chỉnh tăng thêm khoảng 5%”.
Dễ tác động dây chuyền
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho biết do mức giá xăng dầu điều chỉnh tăng giữa hai đợt vừa qua quá gần nhau, giá cả hàng hóa bị tác động tăng theo là khó tránh khỏi.
Theo bà Phạm Chi Lan, chỉ số giá tiêu dùng trong quý I tăng không nhiều nhưng do giá xăng dầu đầu tháng 3 tăng khá cao nên góp phần đẩy chỉ số tiêu dùng này lên theo. Diễn biến này sẽ còn ảnh hưởng cho những tháng tiếp theo.
“Khi giá xăng dầu tăng thì ngành điện lại lên tiếng đòi tăng giá, trong khi lương trong tháng 5 tới sẽ được điều chỉnh tăng cũng sẽ tác động không nhỏ đến giá cả hàng hóa.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu không nên thực hiện với mật độ dày như vừa qua, dễ ảnh hưởng đến tâm lý dây chuyền” - bà Phạm Chi Lan nhận xét.