Mỗi lần EVN muốn tăng giá điện, thì tập đoàn này đều đưa ra các lý do, EVN đang lỗ. Lỗ do giá điện thấp "so với khu vực và thế giới”. Chi phí sản xuất điện luôn cao hơn giá bán lẻ điện.
Sau khi Thanh tra Chính phủ "vạch” sai phạm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đưa chi phí xây dựng sân tennis, biệt thự vào giá thành điện, nhiều chuyên gia lẫn người dân lên tiếng bất bình. "Những gì mà người tiêu dùng từ trước tới giờ nghi ngờ về EVN là có cơ sở, và không hề sai” – chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lên tiếng.
Đầu tư ngoài ngành cũng hạch toán vào giá điện
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra: EVN đã hướng dẫn 6 đơn vị, bao gồm Ban quản lý dự án thủy điện 1,2,4,5,6 và công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ hoạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án điện đã hoàn thành, đang phát điện vào lưới điện quốc gia từ nguồn vốn khấu hao cơ bản sang nguồn vốn do phát hành trái phiếu DN của EVN. Do thay đổi nguồn vốn hình thành tài sản nên lãi trái phiếu tương ứng số tiền 223 tỷ đồng được hoạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện trong năm. Chi phí giá điện năm 2011 vì vậy đã tăng.
Và thật vậy, năm 2011, giá điện đã 2 lần được điều chỉnh. Tính tổng cộng từ năm 2009 đến năm 2013, giá điện chính thức tăng 7 lần.
Tại các dự án nguồn điện như Nhiệt điện Ô Môn, Nhiệt điện Nghi Sơn… đều có hạng mục Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa nằm trong giá trị đầu tư của dự án. Song điều đáng bàn là đây là đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ, nhà liền kề, biệt thự, sân tennis ... với tổng tiền mà EVN đầu tư lên tới 595 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này cũng được đưa vào tổng mức đầu tư dự án, tức là tính giá điện sản xuất, đẩy giá bán điện tăng cao.
Cần lưu ý, mỗi lần EVN muốn tăng giá điện, thì tập đoàn này đều đưa ra các lý do, EVN đang lỗ. Lỗ do giá điện thấp "so với khu vực và thế giới”. Chi phí sản xuất điện luôn cao hơn giá bán lẻ điện. Vì vậy buộc phải tăng. Và hiện nay, mỗi kwh điện đang phải cõng chi phí xây dựng sân tennis, nhà chung cư, đầu tư ngoài ngành... nên có giá 1508,85 đồng.
Sốc khi tiếp nhận thông tin giá điện cõng chi phí ngoài ngành, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính khẳng định với Đại Đoàn Kết, "sự không trung thực của EVN đã lộ rõ. Tất cả các chi phí đầu tư ngoài ngành như xây dựng sân tennis, xây nhà biệt thự đều cộng dồn vào giá thành điện là không thể chấp nhận được”.
Hơn nữa từ trước tới giờ người tiêu dùng chịu thiệt mà cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Công thương không hề hay biết cũng cần đặt dấu hỏi. Mỗi lần EVN tăng giá điện, hay họp báo công bố tình hình tài chính của EVN, Bộ Công thương đều cho rằng EVN minh bạch số liệu, giá thành. Thế nhưng, khi cơ quan kiểm toán vào cuộc lại cho ra kết quả ngược lại. Những gì mà người tiêu dùng từ trước tới giờ nghi ngờ về EVN là có cơ sở. Từ đây cho thấy cơ quan quản lý rất bị động và nuông chiều doanh nghiệp.
Sớm thành lập tổ kiểm toán độc lập giá thành điện
Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố khoản tiền gần 600 tỷ "không vì sản xuất điện” cũng được đưa vào chi phí giá thành điện, một lần nữa, câu hỏi về cơ cấu cũng như giá thành mỗi nguồn điện của EVN rõ ràng cần phải được lật lại.
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Đặng Huy Cường trong một buổi giao ban thường kỳ ở Bộ Công thương đã từng khẳng định, số liệu này mang tính bí mật kinh doanh của DN, nên không thể công bố” và "Tổ công tác chỉ kiểm tra tính hợp lý của các hợp đồng này mà thôi”.
Về cơ cấu giá điện, có 3 yếu tố hình thành nên cơ cấu giá điện gồm chi phí phát điện, phân phối, bán lẻ (thuế, phí,... ). Trong đó chi phí phát điện rất quan trọng. Thế nhưng người dân chưa bao giờ được biết chi phí này ra sao, có được trích lập, quyết toán theo đúng quy định hay không.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong bình luận: Với cách công khai minh bạch như vừa qua của ngành điện thì việc phát hiện những khoản thu, chi, đầu tư như trên…quả là không có gì phải bất ngờ! "Có chăng chỉ là chút bất ngờ về con số, ví dụ khoản đầu tư ngoài ngành lần đầu được công khai, lên đến 21.000 tỉ đồng, vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đồng thì lớn quá”, ông Phong nói thêm.
Còn bà Phạm Chi Lan cho rằng, việc giá điện tăng theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhưng qua đây mới thấy, việc cần làm ngay để người dân đỡ thiệt thòi là phải bóc tách chi phí giá điện và cần một cơ chế giám sát độc lập.
Chốt lại vấn đề, ông Ngô Trí Long nói: "Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất thành lập một tổ nghiên cứu độc lập để kiểm toán cấu thành giá điện. Nếu như cơ quan quản lý nói là chưa có đủ điều kiện về nhân lực, nhân sự thì có thể mời các tổ chức nước ngoài. Càng chậm, người tiêu dùng càng thiệt vì không biết giá điện phải chi trả hàng ngày đã được tính đúng hay chưa”.
Theo Thúy Hằng