Mức giá trên được đề cập tại dự thảo thông tư của Bộ Công thương.
"Cái sự" tăng của ngành điện luôn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp (DN) vì mọi lý do dù bất cập hay vô lý đến đâu cũng đều được đổ vào giá. Tăng để bù lỗ; tăng để có lãi; tăng lấy vốn đầu tư; hạn hán tăng - mưa nhiều cũng tăng luôn...
Đáng nói là có những giai đoạn lạm phát cao, tăng giá điện sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN, giảm chất lượng bữa ăn của không ít gia đình, nên rất nhiều ý kiến kêu gọi ngành điện chia sẻ bằng cách tạm ngưng nhưng cũng không ăn thua, giá điện vẫn tăng. Nhắc lại để thấy, điện đã rất đều đặn và đúng hẹn, cứ 6 tháng một lần, 1 năm 2 lần... đến hẹn lại tăng giá. Nên khi nghe thông tin EVN sẽ mua điện với giá không đổi trong suốt 20 năm từ các thủy điện nhỏ, ai cũng ao ước, giá mà giá điện bán cho dân, cho DN cũng ổn định như vậy.
Tất nhiên, đó chỉ là phản ứng xuất phát từ nỗi bức xúc dồn nén lâu nay về việc giá điện chỉ tăng không giảm, cộng thêm nghịch lý tăng giá bán nhưng lại muốn khống chế giá mua như nói trên chứ ai cũng biết, chuyện "ổn định giá" tới 20 năm dù mới chỉ là trong dự thảo cũng chỉ có ở ngành điện mà thôi.
Việc này thể hiện rõ nhất sự bất cập của cơ chế bộ, ngành chủ quản mà nhiều đại biểu Quốc hội đang đề xuất xóa bỏ. Cụ thể ở đây, Bộ Công thương là đơn vị chủ quản của EVN và cũng là đơn vị đưa ra hợp đồng mẫu khống chế giá bán điện của các thủy điện nhỏ cho tập đoàn này trong suốt 20 năm.
Đặt trường hợp được thông qua, EVN sẽ cực kỳ lợi thế vì giá mua điện đầu vào từ hàng trăm dự án thủy điện nhỏ được cố định trong khi đầu ra vẫn tăng. Việc này cũng một lần nữa cho thấy sự bất cập của cơ chế độc quyền.
Chúng ta đều biết, nguyên tắc mua - bán (nhất là theo cơ chế thị trường mà ngành điện khẳng định đang thực hiện) phải là thỏa thuận giữa hai bên về giá, thời gian và những điều kiện liên quan chứ không thể do một bên quyết định. Nhưng các nhà máy thủy điện nhỏ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc kêu cứu Chính phủ. Vì không bán điện cho EVN, họ cũng không thể bán được cho ai. Tập đoàn này đang độc quyền từ sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện. Với thế mạnh của sự độc quyền lại được Bộ chủ quản đứng sau, họ hoàn toàn có thể áp đặt giá, áp đặt thời gian... cho các thủy điện nhỏ.
Hiện trên cả nước có khoảng gần 200 dự án thủy điện nhỏ, góp phần không nhỏ trong việc cung cấp sản lượng điện cho hệ thống điện quốc gia. Thế nhưng rất nhiều công ty đầu tư thủy điện nhỏ đang gặp cực kỳ khó khăn, thua lỗ vì gánh nặng lãi suất, vì bị ép giá. Nếu bị khống chế thêm giá bán trong suốt 20 năm, không ít công ty sẽ phá sản trong khi chúng ta vẫn phải đang mua điện của Trung Quốc với giá cao.
Thay vì ép các dự án thủy điện nhỏ vào đường chết, Bộ Công thương và EVN nên có cơ chế khuyến khích đầu tư thủy điện nhỏ để giảm lệ thuộc vào việc mua điện của Trung Quốc.
Theo Nguyên Khanh