Doanh nghiệp sản xuất cao su tiếp tục gặp thuận lợi do giá nguyên liệu giảm và ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Chính vì thế, 3 tháng đầu năm, sản phẩm cao su vẫn là ngành hàng giữ vị trí tăng trưởng ổn định nhất trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Giá cao su nguyên liệu giảm mạnh
Tính đến 11/4, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch trên thế giới giảm liên tục trong các ngày còn lại và ở mức thấp hơn so với cuối tuần trước. Thị trường cao su nguyên liệu trên thế giới giảm đã khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất cao su trong nước gặp thuận lợi. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, đến hết quý I, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản của ngành cao su đạt và tăng so với quý I năm 2013.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế của nhóm ngành cao su ước đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 2,4% so với quý I năm 2013. Doanh thu ước đạt 1.597 tỷ đồng, tăng 0,3% so với quý I năm 2013. Sản lượng sản xuất các sản phẩm đều tăng với lốp ô tô đạt 434.772 chiếc, tăng 6,5%; lốp xe máy đạt 1,3 triệu bộ, tăng 12,7%; lốp xe đạp đạt 2,5 triệu chiếc, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013;
Xuất khẩu cao su vẫn đạt lợi nhuận tốt, chiếm tỷ trọng 29,6 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn. Ông Phạm Hồng phú- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina)- cho biết, xuất khẩu cũng tăng 10% với giá trị đạt khoảng 10 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chính của công ty vẫn là các nước ASEAN và mở rộng thêm một số nước Trung Đông. Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng đạt 3,1 triệu USD, tăng 6,5%; Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng đạt 0,7 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013.
Thuận lợi cho lốp radial ”Made in Vietnam”
Giá nguyên liệu giảm cũng tạo thuận lợi cho sản xuất lốp radial tại Việt Nam. Đáng chú ý, lốp radial tại Việt Nam chủ yếu được nhâp khẩu từ nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bảnvà một số nước khác. Nhu cầu sử dụng lốp radial hiện tại cho xe tải hạng nặng và xe buýt ước tính khoảng 1 triệu lốp và kỳ vọng sẽ tăng 3,5% mỗi năm trong những năm tới. Tuy nhiên, mới đây 2 đơn vị của Vinachem đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lốp radial toàn thép là Công ty CP Cao su Đà Nẵng (công suất 300.000 lốp/năm) đã khánh thành vào tháng 6/2013 và Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (công suất 350.000 tấn/năm) sẽ khánh thành vào ngày 19/4 tới đây. Việc sản xuất được lốp radial toàn thép sẽ giúp trong nước tự chủ được lốp ô tô công nghệ cao, giảm nhập khẩu và tận dụng được nguồn cao su nguyên liệu giá rẻ.
Dữ liệu về lốp xe nhập khẩu của Việt Nam trong 2 năm qua cho thấy, nhu cầu lốp radial cho xe tải chiếm hơn 60% giá trị nhập khẩu lốp xe. Điều này chứng tỏ thị phần vô cùng tiềm năng cho các nhà sản xuất trong nước có thể tham gia và cạnh tranh với những nhà sản xuất lốp xe nước ngoài.
Tuy nhiên, các DN sản xuất cao su trong nước vẫn phải đối mặt với sản phẩm lốp nhập khẩu từ Trung Quốc. Do không có hàng rào kỹ thuật đối với lốp ô tô nhập khẩu; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa hiệu quả đã tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa lốp ô tô sản xuất trong nước và lốp nhập khẩu, đặc biệt là lốp nhập khẩu từ Trung Quốc nên tiêu thụ lốp ô tô của các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải quyết tình trạng này, các DN đã đề nghị Bộ Giao thông- vận tải xây dựng và ban hành các quy định về hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm săm lốp cao su để ngăn chặn hàng kém chất lượng, gian lận thương mại nhập khẩu vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng. Đồng thời, các DN đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục xiết chặt hơn nữa các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng phân bón, săm lốp ô tô nhập khẩu.