Dù thuế nhập khẩu được hạ về 0% trong vòng 3 năm tới, song hy vọng được mua xe giá rẻ của người tiêu dùng không dễ thành hiện thực, khi còn không ít biến số khác tác động đến giá xe.
Trái với lựa chọn khó khăn của các đơn vị sản xuất, lắp ráp trong nước, cột mốc 2018 - khi thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước ASEAN vào Việt Nam giảm về 0% theo cam kết - đang được người tiêu dùng chờ đợi như cơ hội lớn để mua xe với mức giá phải chăng hơn.
Giả định các chi phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 45% đến 60%), giá trị gia tăng (10%)... được giữ nguyên, một chuyên gia trong ngành tính toán người tiêu dùng sẽ phải trả khoảng 22.000 USD cho một chiếc Toyota Yaris nhập Thái Lan năm 2018, thay vì khoảng 33.000 USD hiện nay. Cho rằng đây là mức giá hấp dẫn đối với người tiêu dùng vị chuyên gia này cũng cảnh báo mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Tại Hội thảo lấy ý kiến để sửa đổi luật mới đây, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhận định dù có nhiều thay đổi về thuế nhập khẩu, nhưng ngân sách không lo giảm thu. Một trong những lý do được vị này đưa ra là khả năng thay đổi giá tính thuế của mỗi chiếc xe, để bù đắp phần giảm thuế suất theo lộ trình.
|
Các dòng xe giá rẻ từ thị trường ASEAN đang được người Việt Nam chờ đợi.
|
Ngoài thuế nhập khẩu, hiện giá xe còn phụ thuộc vào 3 loại thuế, phí khác, bao gồm tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (VAT) và trước bạ, vốn không chịu chi phối bởi các hiệp định thương mại tự do hay cam kết WTO. "Chỉ cần vì mục tiêu nào đó, như hạn chế phương tiện, tránh tắc đường, lo ngại nhập siêu... cơ quan quản lý có thể điều chỉnh một hoặc cả 3 công cụ này. Như vậy thuế nhập khẩu giảm cũng như không”, vị này bình luận.
Thực tế, ngay đầu tháng này, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đã có văn bản gửi các Bộ Tài chính, Công Thương đề xuất thay đổi giá tính thuế khi ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. “Chỉ có cách này mới đảm bảo công bằng giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc với xe lắp ráp để hỗ trợ doanh nghiệp nội”, Hiệp hội kiến nghị.
Ngoài những biến số thuế phí nêu trên, việc có hay không một làn sóng xe giá rẻ từ ASEAN vào Việt Nam còn phụ thuộc vào một công cụ rất mạnh khác của cơ quan quản lý là Thông tư 20, với quy định thương nhân nhập khẩu ôtô phải có giấy ủy quyền chính hãng.
Như vậy, muốn đưa một chiếc Toyota mới vào Việt Nam, nhà nhập khẩu phải có giấy ủy quyền của Toyota toàn cầu. Tương tự với xe Honda, Mitsubishi, Mazda ... Cơ hội để có giấy phép đó là rất thấp khi các hãng xe đa quốc gia hầu như không cấp giấy phép cho các đối tác nhỏ lẻ - những người có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động tới các công ty con tại Việt Nam.
|
Chi tiết
|
Chủ một salon ôtô lớn trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) cho rằng với quy định này "khách hàng vẫn nắm đằng lưỡi, còn các liên doanh vẫn nắm đằng chuôi”.
Ông lấy ví dụ, một chiếc Toyota Agya sản xuất ở Indonesia chỉ có giá khoảng 9.000 USD. Nếu được nhập về Việt Nam, với thuế tiêu thụ đặc biệt 45% và giá trị gia tăng 10% như quy định thì giá xe tăng lên 14.300 USD. Giá này vẫn được đánh giá là hấp dẫn với người Việt, bởi so với mẫu xe rẻ nhất của Toyota lắp ráp trong nước là Vios E cũng lến đến 26.500 USD.
"Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để có được giấy phép từ Toyota?", vị này đặt câu hỏi.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phân tích thêm rằng nếu người tiêu dùng tìm tới xe cũ, hành trình cũng rất gian nan bởi các nước có nguồn xe lớn trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... lại sử dụng tay lái nghịch. Các xe này được đăng ký ở nước sở tại nên không nhà nhập khẩu nào muốn thay đổi kết cấu chỉ để đưa nó về Việt Nam.
Trung Đức