Đảo chiều tăng mạnh
Cách nay chưa đầy nửa tháng, nông dân thu hoạch lúa thu đông (lúa vụ 3) tại ĐBSCL, đặc biệt là tại thành phố Cần Thơ và Hậu Giang vô cùng lo lắng vì giá rớt liên tục, tuy nhiên, không lâu sau thời điểm VFA điều chỉnh tăng giá sàn xuất khẩu, lập tức giá lúa gạo nội địa đảo chiều tăng mạnh trở lại với mức giá 300 – 500 đồng/kí lô gam.
Tại An Giang, Đồng Tháp giá lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp nhanh chóng tái lập lại mức giá 5.100 – 5.200 đồng/kí lô gam (hồi đầu tháng 9) sau khi giảm mạnh xuống mức giá 4.500 – 4.600 đồng/kí lô gam (cuối tháng 9). Đối với lúa IR 50404 khô, giá bán cũng nhanh chóng vọt lên 6.000 – 6.100 đồng/kí lô gam.
Dù có giá thấp hơn tại An Giang, Đồng Tháp nhưng thương nhân thu mua lúa tại Tiền Giang, Long An cũng nhanh chóng nâng mức giá lên 5.000 – 6.000 đồng/kí lô gao đối với lúa IR 50404 (tùy loại khô hay tươi).
“Giá tăng trở lại nhưng hiện lúa hàng hóa trong dân không còn bao nhiêu nữa rồi. Khoảng 20 – 25 ngày nữa lúa vụ 3 ở Đồng Tháp, An Giang mới bắt đầu thu hoạch, lúc đó nguồn cung mới nhiều trở lại”, ông Dương Văn Mến, thương nhân mua lúa tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp cho hay.
Hiện gạo nguyên liệu và thành phẩm tại các điểm tập trung lương thực lớn như quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè và khu vực xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang giá giao dịch tăng khá cao so với thời điểm cách nay gần nửa tháng.
Cụ thể, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá 7.700 – 7.800 đồng/kí lô gam; 7.800 – 7.900 đồng/kí lô gam đối với gạo nguyên liệu của các loại giống lúa hạt dài, tăng 300 – 400 đồng/kí lô gam so với mức giá hồi đầu tháng 10. Giá gạo thành phẩm dao động từ 8.900 – 9.000 đồng/kí lô gam đối với gạo 5% tấm và 8. 700 – 8.800 đồng/kí lô gam đối với gạo 15% tấm, tăng bình quân 400 đồng/kí lô gam so với hồi đầu tháng 10.
Nguồn cung hiếm
Trong khi lúa hè thu (lúa vụ 2) đã được nông dân thu hoạch và bán xong kể từ giữa tháng 9 rồi, thì ngoại trừ một phần diện tích lúa thu đông tại Tiền Giang, Vĩnh Long… (trên 200.000 héc ta, chiếm 30 – 35% diện tích của vùng) đã thu hoạch thì đa phần các diện tích còn lại vẫn đang trong thời kỳ trổ bông nên chưa thu hoạch được vào lúc này, vì vậy nguồn cung hiện rất ít.
Ông Trần Văn Tiến, thương nhân mua lúa tại chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang xác nhận hiện có nhiều người hành nghề mua lúa như ông phải tạm nghỉ được hơn 10 ngày nay vì lúa trong dân đã hết.
Trong khi đó, những tín hiệu lạc quan về thị trường xuất khẩu là nguyên nhân để giới doanh nghiệp và chuyên gia nhận định, giá lúa gạo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Cụ thể, Tổng công ty lương thực miềm Nam (Vianfood 2) vừa ký được hợp đồng xuất khẩu 300.000 tấn gạo (15% tấm) cho Indonesia và có thời điểm giao hàng từ tháng 10 -12, đúng vào lúc lúa vụ 3 ở ĐBSCL thu hoạch rộ.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA nhận định, từ nay cho đến đầu năm 2013, diễn biến giá lúa gạo sẽ theo chiều hướng có lợi cho người trồng lúa. “Ngoài lượng gạo 300.000 tấn vừa mua, nhiều khả năng Indonesia sẽ mua tiếp của Việt Nam một lượng gạo nữa trong quí 4 này (dự kiến khoảng 300.000 – 450.000 tấn)”, ông Phong từng trả lời phỏng vấn TBKTSG Online.
Nhận định về diễn biến tình hình lúa gạo thời gian tới, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo tại chợ Bà Đắc và cụm công nghiệp An Thạnh, huyện Cái Bè, Tiền Giang cũng phấn khởi đưa ra dự báo xuất khẩu sẽ khả quan cho đến đầu năm sau.
“Với số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký được (trên 7,2 triệu tấn), cùng với nhu cầu nhập khẩu của Indonesia tôi tin chắc giá bán trong nước sẽ khả quan hơn trong những ngày tới”, đại diện doanh nghiệp kinh doanh gạo Cửu Long, chợ bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết.
Theo Trung Chánh
TBKTSG