Buông lỏng phân phối
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá thực phẩm tại chợ,siêu thị, các cửa hàng tiện ích… hiện đang bị bóp méo và điều đó đã thể hiện sự thiếu minh bạch.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sự méo mó thể hiện ở chỗ thị trường tự do đang quyết định giá, không bình thường, hay nói đúng hơn là không theo quy luật của thị trường bán lẻ Việt Nam. Trong đó chỉ có giới trung gian được hưởng lợi chứ không phải người nông dân và người tiêu dùng.
Lấy dẫn chứng về giá gạo, ông Phú cho biết: Gạo xuất khẩu có giá 11.000 đồng/kg, trong khi cũng loại gạo đó bán trên thị trường nội địa với giá 15.000 -16.000 đồng/kg...
Về cấu thành giá, hiện giá lúa khoảng 5.000/kg, trừ hao hụt khoảng 40%, chi phí vận chuyển 10%, thì giá gạo bán ra khoảng 11.000 đồng/kg là hợp lý.
"Đáng nói ở đây là hệ thống phân phối bị chi phối bởi thương lái. Họ đến tận hộ mua lúa đem về xay xát, sau đó được chuyển đến chợ đầu mối hoặc qua một trung gian thương lái thứ hai và giá cứ thế bị đội lên theo từng nấc trung gian” - ông Phú nói.
Cũng như ông Phú, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Phan Thế Ruệ cho rằng: “Con đường đi của hàng hoá đang được phản ánh không trung thực. Hay nói đúng hơn là đang có sự gian lận về giá theo luật thương mại”.
Theo ông Ruệ, giá cả cứ thế méo mó dần qua từng nấc trung gian mà không có sự kiểm soát nào. “Anh” thương lái thích kiếm bao nhiêu tiền thì "hét" giá cho chợ đầu mối bấy nhiêu. Tiểu thương chợ đầu mối cũng tuỳ mình định giá mà không lo bị quản lý.
"Đó là sự buông lỏng quá đáng trong tổ chức thị trường, phân phối thực phẩm, hàng hoá" - ông Ruệ nói.
Quản lý bất lực
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đặt hàng loạt vấn đề: khâu phân phối, tổ chức thị trường đang bị bỏ ngỏ. Ông cũng không hiểu các sở công thương đang làm gì và tại sao các hiệp hội ngành hàng không gắn kết với nhau, chia sẻ thông tin?
"Tại Nhật, trong bán kính 50km, nếu có siêu thị nào đó của Nhật thì sẽ không có siêu thị nước ngoài hoạt động. Ngay cả người dân Nhật cũng rất ít khi vào siêu thị nước ngoài. Điều đó chứng tỏ họ tổ chức phân phối, quản lý thị trường rất tốt thì mới thu hút được sức mua từ người dân như thế. Vậy tại sao chúng ta không làm được?”, ông Doanh đưa ra ví dụ.
Ông Doanh cho rằng, vấn đề phân phối đã trở nên quá lớn và thể hiện sự bất lực của cơ quan ban ngành.
Còn nguyên Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương Hoàng Thọ Xuân cho hay, hiện, Sở Công Thương chỉ quản lý chợ hạng một.
Dù vậy, đối với loại chợ này, Sở cũng chỉ thi thoảng cử cán bộ đến để kiểm tra “lấy lệ” xem có thực hiện niêm yết giá hay không? hàng giả, hàng nhái như thế nào? Chợ hạng hai, ba thì do quận, huyện, phường, xã quản lý.
"Hàng tháng cũng có báo cáo nhưng báo cáo có nghiêm túc hay không thì không rõ" - ông Xuân nói.
Theo Q.Anh
Tổ quốc