Bộ Thương mại Mỹ công bố, nền kinh tế số 1 thế giới đã tăng trưởng 2,2% trong quý trước, cao hơn nhiều mức tăng 1,3% ở quý II và cũng cao hơn dự báo của các chuyên gia, nhờ chi tiêu tiêu dùng gia tăng.
Thông tin này, cùng với việc giữ nguyên chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại phiên họp của thị trường mở hôm 24/1, khiến nhà đầu tư e ngại sẽ khó có thêm các biện pháp kích thích, thậm chí các chương trình nới lỏng hiện nay có thể sớm thắt chặt.
Chốt phiên 26/10, giá vàng giao ngay đứng ở 1.711,6 USD/ounce, tăng 1,3 USD so với phiên liền trước; giá vàng giao tháng 12 giảm 0,06% xuống 1.711,9 USD/ounce. Khối lượng giao dịch bằng 70% so với bình quân 30 ngày.
Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,5% và vàng kỳ hạn giảm 0,7%- tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Đây cũng là đợt giảm giá 3 tuần liên tiếp lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua. Lần gần đây nhất giá vàng có đợt giảm lâu như vậy là chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp sau khi thiết lập mức cao kỷ lục 1.920 USD/ounce hồi tháng 9 năm ngoái.
Xu hướng thị trường vàng trong ngắn hạn tương đối khó đoán. Giá sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả của cuộc bầu cử ở Mỹ tháng sau, cùng với vách đá tài chính nếu như Quốc hội Mỹ thất bại trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách trước thời điểm cuối năm nay.
Về kỹ thuật, theo Adam Sarhan, CEO của quỹ Sarhan Capital, việc giá vàng đã vài lần thử kháng cự 1.800 USD/ounce nhưng không thể vượt qua khiến cho thị trường chịu nhiều áp lực giảm hơn.
Ngọc Toàn