Không ít người đã bỏ ý định đi xe lửa về quê, chuyển qua đi máy bay giá rẻ.
Thời gian tăng giá vé kéo dài
Một bạn tên Q. phản ảnh: “Cách đây khoảng một tháng, tôi mua vé tàu SQN2 từ TP.HCM đi Tuy Hòa, loại giường nằm mềm, điều hòa tầng 1 với giá 661.000 đồng. Nhưng mới đây tôi mua vé đi tuyến này vào ngày 1-6 thì nhân viên báo giá đến 761.000 đồng. Tôi thắc mắc sao giá vé cao như vậy thì nhân viên bán vé cho biết giá vé hè có tăng so với ngày thường. Tôi hỏi mức tăng bao nhiêu phần trăm thì nhân viên này ấp úng không trả lời được”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại ga Sài Gòn hiện đã có thông báo về việc tăng giá vé. Theo đó, hầu hết mức giá đều tăng từ vài chục ngàn đến hơn 200.000 đồng. Mức giá vé cao nhất hiện thuộc về tàu SE1, SE2 với mức giá chặng ga Sài Gòn đi ga Hà Nội là 1.930.000 đồng, tăng 205.000 đồng so với mức giá cũ.
Nhiều sinh viên các trường đại học, cao đẳng chờ mua vé tại ga Sài Gòn trong ngày 29-5 cho biết họ thấy “choáng” với giá vé tàu dịp hè này. “Nếu dịp tết, lễ ngành đường sắt thông tin rõ mức tăng giá vé là bao nhiêu thì nay họ chỉ nói tăng giá vé chung chung là không thể chấp nhận được” - một sinh viên bức xúc.
Chị Thương (sinh viên năm 2 Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) cho rằng những đợt tăng giá vé xe lửa trước đây chỉ trong một thời gian ngắn, ai không cần đi gấp thì có thể “né” được thời điểm giá vé cao. Còn đợt tăng giá vé hè lần này kéo dài gần bốn tháng nên dù muốn hay không sinh viên vẫn phải mua vé để về quê nghỉ hè.
Bỏ xe lửa đi máy bay
Ngồi chờ mua vé tại ga Sài Gòn, anh Nguyễn Đình Vinh cho biết anh mua vé cho mẹ mình về quê ở Nam Định. Sau khi xem bảng giá, anh đã chuyển ý định mua vé giường nằm mềm sang vé giường nằm cứng để giảm bớt chi phí. “Giá vé dịp này tăng quá cao so với trước, giường nằm về đến Nam Định hết hơn 1,8 triệu đồng trong khi trước đây chỉ khoảng 1,6 triệu đồng. Nếu mẹ tôi chịu đi máy bay thì tôi mua vé máy bay cho bà đi vì đi xe lửa vừa tốn thời gian vừa tốn tiền”.
Ngày 29-5, một số hành khách đến ga Sài Gòn để mua vé nhưng sau khi xem bảng giá vé mới được công bố tại đây đã bỏ ý định đi xe lửa để chuyển qua đi máy bay. Anh Hoàng Xuân Phương (quê Nghệ An) cho biết mặc dù khi mua vé xe lửa sinh viên được giảm giá 10% nhưng với đợt tăng giá vé lần này thì mức tăng còn cao hơn mức tiền sinh viên được giảm giá, nên anh quyết định chuyển sang đi máy bay giá rẻ.
Tăng giá vé do độc quyền?
Xung quanh việc tăng giá vé xe lửa trong dịp hè, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tuyên - trưởng ban kinh doanh vận tải Tổng công ty Đường sắt VN.
* Nhiều hành khách cho rằng giá vé xe lửa tăng trong dịp hè tương đương giá vé tăng trong dịp tết là không hợp lý, ông nghĩ sao về nhận định này?
- Mặc dù giá vé dịp hè này tăng hơn ngày thường nhưng năm nay giá vé hè của ngành đường sắt giữ nguyên như giá vé hè năm 2013. Đây là sự cố gắng rất lớn của ngành đường sắt trong việc tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động trong tình hình giá cả đầu vào như nhiên liệu, điện, vật tư và chế độ của người lao động... đều tăng cao hơn so với trước đây.
* Có ý kiến của chuyên gia cho rằng khi hành khách đi lại càng tăng thì ngành đường sắt phải giảm giá vé cho hành khách mới đúng. Vì sao đường sắt lại tăng giá vé vào dịp hè?
- Hành khách đi tham quan, du lịch tăng cao trong dịp hè nhưng luồng hành khách đi lại trong dịp này mất cân đối lớn, gây lãng phí phương tiện và tăng chi phí vận tải. Cụ thể, hành khách chỉ tập trung đi đến các điểm tham quan, nghỉ mát vào chiều thứ sáu và quay về thành phố vào chủ nhật hằng tuần. Trong khi vào các ngày trên, chiều ngược lại hành khách đi rất ít.
* Nhiều hành khách cho rằng việc tăng giá vé xe lửa hè như trên là do ngành đường sắt độc quyền?
- Hiện nay, ngành đường sắt đang phải cố gắng rất lớn về chất lượng dịch vụ và giá cả để có thể cạnh tranh được với các phương tiên vận tải khác như ôtô, máy bay...
NGỌC ẨN
|
Theo Mậu Trường