Bị Malaysia kiện
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, Chính phủ Malaysia đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá mặt hàng Giấy màng BOPP nhập khẩu từ Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.
Giai đoạn điều tra bắt đầu từ ngày 1/1/2011 đến 31/12/2011.
Căn cứ vào việc so sánh giá trị thông thường của mặt hàng bị điều tra với giá được bán khi nhập khẩu vào Malaysia và mức tăng về số lượng nhập khẩu mặt hàng nêu trên, phía Malaysia cho rằng ngành công nghiệp nước này đang bị thiệt hại do các hậu quả của hành vi bán phá giá, bán giá thấp, ép giá của các nhà xuất khẩu làm các nhà sản xuất nội địa sụt giảm thị phần, doanh thu, dòng tiền và lợi nhuận, và không có đầu tư mới cũng như khả năng tăng vốn.
Ngoài ra, căn cứ theo Đạo luật về Thuế đối kháng và chống bán phá giá 1994 của Malaysia, Chính phủ Malysia đã khởi xướng điều tra vụ việc.
Bản câu hỏi điều tra đã được gửi tới các bên liên quan, trong đó có các nhà sản xuất/xuất khẩu mặt hàng nêu trên tại các nước liên quan. Thời hạn để các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu mặt hàng nêu trên trả lời bản câu hỏi là ngày 5/9/2012.
Theo quy định của Đạo luật thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Malaysia, nếu các bên có liên quan không cung cấp thông tin cần thiết hoặc không cung cấp thông tin đầy đủ trong thời hạn quy định, chính phủ Malaysia có thể ra quyết định sơ bộ hoặc quyết định cuối cùng dựa trên thông tin sẵn có.
Nguy cơ bị kiện tại thị trường Mỹ
Mới đây, mặt hàng giấy của Việt Nam cũng gặp vấn đề tương tự với các nhà sản xuất Mỹ. Theo Báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh, đã có những cáo buộc của ngành sản xuất giấy của Mỹ cho rằng, các sản phẩm giấy xuất khẩu của Việt Nam không hoàn toàn có xuất xứ từ Việt Nam, mà được chuyển tải từ Trung Quốc (nước bị áp thuế chống bán phá giá) sang Việt Nam.
Phía Mỹ khẳng định, những sản phẩm giấy này được xuất khẩu từ Việt Nam nhằm tránh khoản thuế chống bán phá giá bị áp tại quốc gia xuất xứ. Đây cũng chính là lý do vì sao nguy cơ Việt Nam bị kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá là tương đối cao.
Cục Quản lý cạnh tranh trích lời từ các hãng luật ở Mỹ cho biết, cơ quan điều tra của Mỹ phát hiện kể từ thời điểm sản phẩm giấy kẻ li của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia bị áp thuế chống bán phá giá, sản phẩm giấy kẻ li của Việt Nam đã có lượng xuất khẩu tăng rất lớn, thay thế cho lượng xuất khẩu của 3 nước kia do lệnh áp thuế chống bán phá giá.
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Thương Mại Mỹ, khi rà soát các nước chưa bị áp thuế chống bán phá giá sản phẩm giấy, Việt Nam và Ai Cập nằm trong nhóm các nước xuất khẩu nhiều nhất sản phẩm giấy vào thị trường Mỹ. Đỉnh điểm là năm 2008 khi lượng xuất khẩu tăng 142% so với năm 2007.
Mức xuất khẩu này vẫn được giữ vững trong những năm tiếp theo. Dù thị phần của Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây ở thị trường Mỹ chỉ chiếm 1% nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu giấy trong nước rất có khả năng bị kiện chống bán phá giá hoặc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá cùng với Trung Quốc, Indonesia hoặc Đài Loan.
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến nay, khối lượng xuất khẩu giấy của Việt Nam sang Mỹ đã giảm mạnh: Năm 2011 giảm 64% so với năm 2010 và 4 tháng đầu năm 2012 giảm 45% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo Bích Diệp
Dân trí