Sau khi tăng giá vé xe buýt vào năm 2012, liên sở Giao thông Vận tải (GTVT) - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội tăng giá vé xe buýt để giảm kinh phí trợ giá.
Trợ giá giảm hơn 200 tỉ đồng/năm
Theo Sở GTVT TP Hà Nội, TP Hà Nội đã phải bỏ ra khoản kinh phí lớn để trợ giá cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Cụ thể: Năm 2011 là 1.332 tỉ đồng, năm 2012 là 1.020 tỉ đồng và năm 2013 là 1.134 tỉ đồng. Trong khi đó, giá nhiên liệu đầu vào vận hành xe buýt, tiền lương cho cán bộ nhân viên thay đổi liên tục khiến chi phí cho hoạt động xe buýt tăng cao; tình hình thu ngân sách của TP giảm.
Dự kiến vé xe buýt tuyến có cự ly dưới 25 km sẽ tăng từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng/lượt, tuyến có cự ly từ 25-30 km tăng từ 6.000 đồng lên 7.000 đồng/lượt, cự ly trên 30 km tăng từ mức 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt. Vé tháng sẽ tăng từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng đối với những đối tượng ưu tiên (một số tuyến); loại ưu tiên liên tuyến tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng/tháng.
Riêng các đối tượng không thuộc diện được hưởng ưu tiên sẽ có mức vé tăng tương ứng là 90.000 đồng lên 100.000 đồng/tháng và từ 140.000 đồng lên 200.000 đồng/tháng. Theo tính toán của sở, nếu được tăng giá vé thì tiền trợ giá cho xe buýt của TP chỉ còn xấp xỉ 900 tỉ đồng.
Buộc phải tăng
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị - Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết: Từ năm 2005 đến nay, giá vé xe buýt được điều chỉnh 1 lần vào năm 2012 trong khi các khoản chi phí đầu vào liên tục tăng. Đến nay, chi phí vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã tăng 3,5 lần so với năm 2005; đơn giá bình quân cho 1 km vận doanh năm 2013 tăng 11,5% so với năm 2012 và tăng 241% so với năm 2005. Do chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng tăng cao nên trợ giá từ ngân sách cho xe buýt ngày càng tăng, trợ giá của TP năm 2013 đã tăng 5 lần so với năm 2005.
Ông Hải khẳng định việc điều chỉnh giá vé xe buýt sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Năm 2014, dự kiến Hà Nội sẽ mở rộng vùng phục vụ cho các tuyến xe buýt có trợ giá ra các huyện ngoại thành (dự kiến 4-5 tuyến) và sẽ đầu tư đổi mới trên 140 đầu phương tiện. Ngoài ra, sẽ đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, triển khai thí điểm thẻ vé điện tử và cải thiện thông tin phục vụ hành khách (lắp đèn LED báo lộ trình trên xe, lắp hệ thống báo điểm dừng tự động bằng âm thanh trên xe, sử dụng phần mềm tìm đường, lắp đèn LED báo vị trí xe trên điểm dừng).
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, nhìn nhận việc tăng giá vé xe buýt lần này là khó tránh khỏi và phù hợp với tình hình kinh tế cũng như những khó khăn trong ngân sách TP. “Mức tăng giá vé không quá cao. Quan trọng là việc tăng giá vé phải đi liền với nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, thái độ ứng xử của nhân viên phục vụ. Đồng thời, phải triển khai sớm hệ thống bán vé điện tử để giảm nhân viên xé vé thủ công trên xe; lắp đặt hệ thống camera phòng chống móc túi, trộm cắp” - ông Liên nói.
Theo ông Liên, Hà Nội cần đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực xe buýt để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và nâng cao chất lượng phục vụ.
Đến hết năm 2013, Hà Nội đã thay thế, đổi mới được 669/875 xe buýt tuổi đời trên 10 năm. Năm 2006 có 319 triệu lượt hành khách đi xe buýt thì tới năm 2013 đã có trên 460 triệu lượt (tăng 145%).
Theo: www.cafef.vn