Không ít người vì tham của rẻ đã gặp phải hệ lụy về sức khỏe, tự rước bực mình khi sử dụng hàng cận date.
Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết Trung thu qua đi, hàng trăm quầy bánh di động lớn nhỏ lại đông khách hơn bao giờ hết. Sự đông đúc bất thường đó nằm ở chỗ, vì trong dịp lễ các cơ sở này không bán hết hàng, để lại một khối lượng lớn sản phẩm tồn, gần đến ngày hết hạn nên buộc phải giảm giá "sốc" câu khách ham rẻ. Chuyện một chiếc bánh trung thu của một thương hiệu lớn có giá bán 70.000-80.000 đồng/ chiếc khi giảm giá chỉ còn 10.000-20.000 đồng/chiếc không còn xa lạ.
Chen nhau mua hàng giảm giá "sốc"
Không chỉ bánh trung thu mà còn rất nhiều mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng như: sữa bột, bánh kẹo, kem đánh răng, dầu gội, xà phòng, dầu xả, sữa tắm… được nhiều cửa hàng lớn bé dùng chiêu thức "khuyến mại sốc" để đẩy hàng cận date với mong muốn vớt vát một chút vốn liếng. Chính vì vậy, nhiều khách hàng đã coi đây là thời cơ lớn để mua hàng với giá rẻ.
Bác Vũ Thị Mơ, khu chung cư Thành Công cho biết, nhiều hôm đi mua đồ gia dụng bác chỉ định mua một vài thứ nhưng thấy cửa hàng trưng biển đại hạ giá món gì mà cảm thấy dùng được bác mua luôn cho rẻ. Bác Mơ cho biết, thông thường những mặt hàng được khuyến mại khủng là những sản phẩm có thể bị méo mó, long chóc bao bì hay gần hết hạn sử dụng. Bác Mơ cho rằng với sản phẩm gia dụng như xà phòng, dầu gội cận date mua về dùng trong quá trình đó có hết hạn chắc cũng chẳng sao vì không ăn vào cơ thể chẳng có gì phải sợ.
Cũng mua hàng cận date, chị Nguyễn Thùy Linh, phố Đội Cấn, Ba Đình khi mua mỹ phẩm tại một quầy hàng bán buôn được nhân viên giới thiệu một loại dưỡng thể chiết xuất thảo mộc trắng da được giảm giá 50%, chỉ còn 35.000 đồng/ lọ vì chỉ hơn 1 tháng nữa là hết hạn. Tham rẻ, chị Linh đã mua và tranh thủ dùng ngay sau khi về nhà. Thế nhưng khi mở ra chị thấy sản phẩm có mùi hắc khó chịu, chất lỏng trong chai chuyển màu vàng, bôi vào chỉ 10 phút sau cơ thể chị nổi mẩn đỏ ngứa râm ran. Sợ quá, chị phải dừng sử dụng và vứt ngay sản phẩm vào sọt rác.
Tìm mua hàng cận date không khó, càng cửa hàng to, đại lý lớn càng có nhiều hàng tồn, hàng cận date được làm giá với hy vọng bán tống bán tháo sản phẩm. Nhiều chiêu trò được giới kinh doanh áp dụng: nơi thì ghi rõ hàng cận date, hạ giá gấp; nơi lại lờ tịt đi cái hạn sự dụng chỉ ghi chung chung: hàng tồn kho, cần thanh lý; hay có nơi lại ghi: hàng giảm giá sốc… Khách hàng không phải ai cũng có thói quen săm soi hạn sử dụng.
Nhiều người mua hàng rất chủ quan cho rằng cửa hàng lớn chắc chắn lưu lượng khách đông chẳng có hàng tồn kho, hay kinh doanh lớn phải biết giữ chữ tín nên các đại lý "cỡ bự" sẽ không mấy gian dối chất lượng sản phẩm.
Tiền nào của ấy
Tuy nhiên, một thực tế là có khá nhiều đại gia bán lẻ, thậm chí các siêu thị lớn từng bị khách hàng tố bán hàng cận date, thậm chí giảm giá sốc ngay trong ngày hết date của sản phẩm. Bên cạnh đó, trên các trang mạng nhan nhản những mẩu quảng cáo đăng thông tin, hình ảnh về những mặt hàng cận date muốn bán gấp.
Chẳng hạn tại một trang website có ghi: "mời anh chị em qua cửa hàng số… mua ủng hộ một số mặt hàng cận date em bán nhanh với giá giảm chỉ còn 50% giá trị gốc. Đây là hàng thực phẩm xách tay ngoại nhập vì không có chất bảo quản nên hạn sử dụng ngắn. Hàng nhập từ Đức, Nga chất lượng miễn chê". Trang web này còn đăng tải một loạt hình ảnh về các sản phẩm giảm giá để người mua lựa chọn.
Theo Ts. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa, Hà Nội), có 2 tiêu chí để nhà sản xuất gắn hạn sử dụng cho sản phẩm, một là dựa vào cảm quan: màu sắc, mùi, vị, trạng thái để ước lượng thời gian hư hỏng của sản phẩm; hai là tính an toàn của sản phẩm, việc này bắt buộc nhà sản xuất phải nghiên cứu về chất dinh dưỡng của sản phẩm, chất độc (chỉ tiêu ẩn), độc tố động (vi sinh vật), độc tố tĩnh (kim loại,...) có trong sản phẩm.
Một chuyên gia trong ngành dinh dưỡng cho biết, về nguyên tắc, nhà sản xuất các sản phẩm thực phẩm phải ghi hạn sử dụng trước thời điểm sản phẩm đó bị hư hỏng nên người mua có thể dùng sản phẩm đã hết hạn trên bao bì một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài hàng hóa của mấy công ty lớn thì nhiều sản phẩm còn được đánh hạn sử dụng không đúng, họ toàn tự ước lượng rồi đưa ra ngày hết date, chứ không phân tích nghiên cứu. Ngoài ra, do điều kiện vận chuyển, bảo quản tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thường không đảm bảo điều kiện lý tưởng như quy định bảo quản sản phẩm nên có những mặt hàng dù chưa hết hạn vẫn bị hư hỏng.
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, không nên tận dụng hàng cận date, đặc biệt đối với thực phẩm vì dễ phát sinh nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe như sản phẩm bị nhiễm khuẩn, sản sinh độc tố… Để nhận biết sản phẩm có dùng được không cần quan sát màu sắc, mùi vị, trạng thái sản phẩm. Khi một trong những yếu tố đó bị biến đổi thì dừng ngay sử dụng vì nó đã bị hỏng.
Theo: www.cafef.vn