Cập nhật lúc:
5/12/2012 7:51:25 AM
4 tuyến phố cổ sầm uất bậc nhất của Thủ đô đã được Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội xây dựng thành 4 tuyến phố không “hàng giả, hàng nhái” bắt đầu từ tháng 4/2012. Tuy nhiên, sau một tháng thực hiện, đi trên một số tuyến phố này, người ta vẫn thấy hàng nhái… ngợp phố.
Ngợp phố hàng hiệu “nhái”
Dạo một vòng quanh các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông (Hà Nội), hình ảnh chúng tôi ghi lại được hàng giả, hàng nhái đặc biệt là mặt hàng thời trang vẫn đang được bày bán rất công khai. Mỗi cửa hàng một giá khiến người tiêu dùng như rơi vào “mê cung” mua sắm.
Tại một cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang trên phố Hàng Đào, mặc dù không phải là cửa hàng sang trọng nhưng cũng bày bán đầy đủ các thương hiệu thời trang “hàng hiệu” như Lacoste, Nike, CK, Levis… Thấy chúng tôi xem hàng, chị chủ quảng cáo: “200.000 đồng áo phông Nike. Mua cho bạn trai mặc đi em. Mát lắm. Có đủ các size, màu sắc y hệt hàng xịn luôn”.
Quả thật, nếu nhìn bằng mắt thường thì rất khó phân biệt những chiếc áo “gắn” thương hiệu nổi tiếng này là giả hay thật. Không chỉ thế, một loạt các sản phẩm khác như thắt lưng mang nhãn hiệu D&G, Guess, ví mang nhãn hiệu CK, Nike… cũng được bày bán tràn lan trên phố Hàng Đường. Phố Hàng Bông vốn được biết đến là một khu phố mua bán khá sầm uất bởi những cửa hiệu bóng lộn đầy màu sắc với rất nhiều loại túi xách, quần áo… thời trang hàng hiệu. Khi vào các cửa hiệu này để mua sản phẩm, các thượng đế đều phải móc hầu bao từ con số tiền triệu trở lên.
Tại shop V- một shop chuyên kinh doanh túi xách, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi sự đa dạng, phong phú của các nhãn hiệu thời trang được bày bán nào Hermes, Louis Vuitton, D&G, Chanel… Chỉ vào chiếc túi có nhãn hiệu Louis Vuitton, nhân viên bán hàng cho chúng tôi biết: “Đây là hàng xách tay, chị chủ em đánh hàng từ nước ngoài về. Hàng nhái nước 1 nên chị yên tâm về chất lượng. Chiếc túi này bọn em bán với giá 2,9 triệu đồng”. Còn chiếc túi Hermes màu da bò cũng được hét với cái giá 3,2 triệu đồng.
Thấy chúng tôi ngần ngại không muốn mua, cô nhân viên này còn quảng cáo thêm: “Chị yên tâm. Mặc dù hàng nhái nước 1 nhưng đều là da xịn. Chị có cho vào lửa đốt cũng không cháy được”. Chúng tôi sang một cửa hiệu khác thì chiếc túi xách Louis Vuitton giống y hệt lại được hét giá lên đến 3,7 triệu đồng. Chúng tôi thắc mắc về giá cả thì được nhân viên bán hàng giải thích: Hàng của em là hàng nhái 1.1, vẫn còn cả thẻ hàng đây này. Các hàng khác có thể là nhái nước 1 nhưng là 1.2, 1.3...”.
Không khó để mua được áo “nhái” thương hiệu Nike tại phố Hàng Ngang
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
“Nạn” hàng giả, hàng nhái đã trở thành vấn đề đau đầu trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn của nước ta khi không chỉ những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới bị làm nhái mà nhiều thương hiệu trong nước cũng bị điêu đứng. Thống kê mới đây cho thấy, tại Hà Nội có tới một nửa số mỹ phẩm bán trên thị trường là hàng giả. Năm nào, lực lượng Quản lý thị trường cũng tiêu hủy từ 5-6 đợt hàng nhái, có đợt tiêu hủy 60 tấn mỹ phẩm và hàng trăm tấn quần áo. Tuy nhiên, con số đó chưa thấm tháp vào đâu so với lượng hàng nhái, hàng giả đang bày bán trên thị trường.
Trước những bức xúc và khó khăn của doanh nghiệp khi phải đối đầu với “nạn” hàng giả, hàng nhái, Hà Nội đã xây dựng thí điểm 4 tuyến phố nói không với vấn nạn này. Mục đích là muốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao ý thức của người kinh doanh và người tiêu dùng trong cuộc chiến chống hàng giả.
Sở dĩ Hà Nội chọn 4 tuyến phố cổ là Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông bởi đây là những tuyến phố chuyên kinh doanh hàng thời trang, túi xách sầm uất nhất của Thủ đô, đồng thời cũng là những tuyến phố phát triển mạnh về du lịch, thường xuyên được khách quốc tế ghé thăm, mua sắm. Bởi vậy, lực lượng Quản lý thị trường đã cho 400 hộ kinh doanh ở đây ký cam kết “không bán hàng giả, hàng nhái”.
Vừa tuyên truyền, vừa sử dụng biện pháp răn đe, kiểm tra, nên ngay ngày đầu thực hiện, Đội Quản lý thị trường số 2 đã thu giữ trên 1.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu như Gucci, Adidas, Chanel...
Theo nhận xét của lực lượng Quản lý thị trường thì qua 1 tháng thực hiện, người kinh doanh ở 4 tuyến phố trên đã có nhận thức tốt hơn, hạn chế tình trạng công khai bày bán hàng giả, hàng nhái như trước. “Xác định đây là việc làm lâu dài, nên chúng tôi đã bố trí người kiểm tra, kiểm soát “trường kỳ”- ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ lén lút bán hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng, mà ở tuyến phố Hàng Bông, một số mặt hàng nhái vẫn bán ngang nhiên. Lực lượng Quản lý thị trường thì cho rằng, việc kiểm soát hàng hóa buôn bán từng giờ, từng phút ở 4 tuyến phố này là điều không thể, do đó cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nếu phát hiện thì cung cấp nguồn tin cho lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra. “Quan trọng hơn cả vẫn là người tiêu dùng hãy “nói không với hàng giả, hàng nhái”. Nếu không có người mua, thì hàng giả, hàng nhái bán cho ai”- ông Chiến bày tỏ.
Có lẽ, do chưa được tuyên truyền mạnh nên rất ít người biết 4 tuyến phố trên là những tuyến phố không bán hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, do nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm hàng hiệu “nhái” vẫn cao nên những cửa hàng kinh doanh mặt hàng này vẫn có đất sống.
Chính vì vậy, cùng với công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng thì người dân cũng cần phải có ý thức “tẩy chay” hàng nhái, hàng giả để xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Nguồn: Internet.