Máy tính xách tay có giá rẻ hơn 3-4 triệu đồng, bánh kẹo Nga giảm 10-30% nhờ đồng rouble giảm giá mạnh so với đôla Mỹ.
"Kẹo Nga, nho khô và phô mai giá rẻ nhất thị trường. Mọi người tranh thủ mua khi đồng rouble còn rẻ nhé", chị Nguyễn Lan Anh, chủ một shop hàng xách tay Nga viết lời quảng cáo tại fanpage bán hàng trên mạng xã hội Facebook.
Tại cửa hàng này, nhiều loại sản phẩm đặc trưng của Nga như hướng dương "Bà già đeo kính" có giá 150.000 đồng gói nửa cân, thay vì 170.000 đồng như trước. Chocolate hạnh nhân trước giá 390.000 đồng một kg, nay còn 350.000 đồng. Dòng sữa NAN của Nga được giảm giá 50.000 đồng mỗi hộp 800g từ 585.000 đồng.
"Dịp Tết, thực phẩm khô của Nga sẽ bán chạy nên tôi tranh thủ nhập nhiều hàng khi đồng rouble còn rẻ", chị Lan Anh cho biết.
|
Dòng sữa NAN của Nga được giảm giá 50.000 đồng mỗi hộp 800g. Ảnh: Qúy Đoàn.
|
Tại một cửa hàng khác chuyên bán rượu Nga, sản phẩm rượu vảy vàng hai tháng trước bán giá 900.000 đồng, nay giảm còn 750.000 đồng môt chai. "Giá rẻ hơn nên bán rất chạy. Hôm đầu tuần tôi vừa nhập 100 chai, nay chỉ còn hơn 20 chai", chủ cửa hàng cho biết.
Những chủ cửa hàng nói trên đang hưởng lợi nhờ việc đồng rouble giảm giá mạnh so với đôla Mỹ. Giữa năm, một đôla Mỹ chỉ đổi được 35 rouble, nhưng tuần vừa rồi có lúc người ta đổi được tới 80 rouble. "Trong khi giá cả nhiều loại hàng hóa bên Nga chưa kịp tăng theo, mang USD sang đổi ra rouble và mua hàng lãi hơn 20 đến 40%. Mang hàng về Việt Nam bán lãi tiếp một lần nữa", chị Lan Anh lý giải.
Không chỉ đồ ăn uống, những mặt hàng gọn nhẹ nhưng giá trị cao xuất xứ từ Nga đang được nhiều người săn tìm như đồng hồ, máy ảnh, đồ điện tử. Ngoài hàng do Nga sản xuất, nhiều khách tìm mua mặt hàng của nước ngoài hiện được bày bán ở Nga như đồng hồ, máy tính, máy ảnh và phụ kiện.
Cửa hàng của chị Lan Anh vừa nhận được đơn đặt hàng nhập một lô máy tính từ Nga. "Tính ra USD, mỗi chiếc có giá chưa đến 380 USD, cộng cả công xách về Việt Nam và các loại phí khác chỉ trên dưới 10 triệu đồng, rẻ hơn 3 đến 4 triệu so với giá trong nước đang bán", chị nói.
|
Tại một cửa hàng chuyên bán hàng Nga, nhiều mặt hàng đang được giảm giá, khuyến mãi trong dịp này.
|
Không phải ai cũng hứng thú với việc "đánh" hàng Nga thời điểm hiện nay. Chị Phan Ngọc, chủ shop hàng Nga ở Lê Trọng Tấn, Hà Nội cho biết vào cuối năm, chi phí vận chuyển hàng tăng gấp đôi so với đầu năm lên 7 đến 14 USD cho một kg. Với hàng điện tử, dược phẩm thì giá có thể lên đến vài chục USD. "Tỷ giá có lợi nhưng các loại phí hải quan, dịch vụ tăng cao và chiếm 20 đến 30% giá bán nên tính ra lãi không còn được bao nhiêu", chị Phan Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó, mối chuyển hàng chủ yếu của chị là các sinh viên, những người hay đi công tác nên không ổn định. "Có tháng tôi nhờ được 7 đến 8 người xách hàng, mỗi người xách tối đa 23 kg. Tuy nhiên cũng có khi cả tháng chỉ một người về", chị chia sẻ. Để đảm bảo nguồn hàng, thi thoảng chị vẫn phải sử dụng dịch vụ vận chuyển nhưng giá khá cao.
"Nếu nói buôn hàng Nga lúc này lãi hời cũng không sai vì cứ đơn giản so sánh tỷ giá trước thì một USD đổi được khoảng 50 rouble, nay lên đến 80 rouble thì ai cũng nghĩ là lãi. Nhưng vấn đề chỉ có mang USD sang tận Nga mua hàng thì mới rẻ, chứ đem về Việt Nam cộng mọi chi phí cũng không rẻ hơn trước", chị Ngọc nói. Tại cửa hàng của chị, mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo vẫn bán khá đều, nhưng hàng điện tử chi phí lớn nên không ai mua về để bán lại. "Tôi cũng mua vài cặp đồng hồ nhưng là cho người nhà dùng, bán lại không lời được bao nhiêu", chị nói.
Rủi ro khác với những người bán hàng xách tay là cuối năm, tình trạng thất lạc đồ diễn ra khá thường xuyên. Trên một diễn đàn kinh doanh, một chủ hàng than thở về việc vừa mất một thùng trên tổng số 4 thùng hàng chuyển về, khiếu nại và tìm hàng mất thời gian. Bên cạnh đó, dịp cận Tết, lực lượng hải quan kiểm soát gắt gao hơn nên những người thuê xách tay qua dường hàng không cũng chùn tay.
"Trước kia hàng hóa từ Nga về Việt Nam còn ít, nên kinh doanh cũng tốt, nhưng gần đây bán online nhiều, thêm nữa chi phí vận chuyển lớn nên lợi nhuận cũng không cao. Thậm chí cả tháng nay mình còn chẳng dám nhập hàng, toàn phải lấy lại các đại lý nhập khẩu trong nước để bán vừa giữ khách vừa tránh rủi ro", chị Phan Ngọc bộc bạch.
Thanh Bình - Thanh Tâm