Cập nhật lúc:
7/31/2013 9:55:18 AM
6 tháng đầu năm 2013, lượng hàng tạm nhập-tái xuất qua các cửa khẩu của Quảng Ninh giảm 41,06% so với cùng kỳ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất-nhập khẩu của tỉnh và một số tỉnh, thành phố lân cận.
Hơn 2.000 đò, thuyền vận tải trên sông Ka Long “ăn” theo dịch vụ tạm nhập-tái xuất.
Tại các khu cửa khẩu, nhiều kho, bãi, bến cảng, phương tiện bốc xếp hàng hóa đã dừng hoặc hoạt động cầm chừng do không có hàng hóa.
Cụ thể, hơn 1.470 đò, thuyền vận tải hàng hóa trên sông Ka Long, TP.Móng Cái chỉ hoạt động 27,1% công suất; hơn 400 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Điều này khiến hơn 20.000 lao động mất việc làm. Thu ngân sách thông qua phí bến bãi của hàng tạm nhập-tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan tại các địa phương biên giới cũng giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số văn bản hướng dẫn quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập-tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan trên địa bàn tỉnh, sáng 30.7 tại TP.Hạ Long, các ban, ngành, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương cho phép Quảng Ninh được mở rộng nhóm mặt hàng được kinh doanh tạm nhập-tái xuất, kho ngoại quan.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các ý kiến cũng đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục cho doanh nghiệp được làm thủ tục đưa hàng từ nước ngoài vào kho ngoại quan đối với nhóm hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; kéo dài thời gian lưu hành tại Việt Nam; không thu thuế nhập khẩu và một số loại thuế liên quan đối với hàng từ nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu.
Theo Nguyễn Hùng
Báo lao động