Hàng Tết nhiều, giá ổn định, sức mua kém
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 894
Hôm qua: 2264
Tổng số: 8881488
 

 
 

Cập nhật lúc: 1/24/2014 9:25:20 AM
Thị trường hàng hóa Tết Giáp Ngọ tuy có nguồn cung dồi dào, giá tương đối ổn định, nhưng sức mua không sôi động như mong đợi.

Năm nay, thị trường Tết ở Hà Nội khởi động muộn hơn mọi năm. Ðến cuối tuần qua, khoảng ngày 19 tháng Chạp, các siêu thị, trung tâm thương mại Big C, Metro, Sài Gòn Coop-mart, Fivi Mart, Ocean Mart... mới bắt đầu đông người đến sắm Tết.

Trong siêu thị, bánh mứt kẹo, bia, nước ngọt, ô mai... cũng như những giỏ quà Tết được sắp xếp ở vị trí thuận tiện nhất, bắt mắt nhất. Các mặt hàng bánh kẹo sản xuất trong nước năm nay được cải tiến về hình thức, có bao bì, mẫu mã đẹp hơn hẳn so với trước. Nhiều nhà sản xuất đã cho ra mắt bao bì dành riêng cho Tết như mẫu thỏi vàng, hộp tiền đựng bánh đậu xanh Hoàng Gia; hộp đỏ đựng trà xanh Thái Nguyên Ðại Gia... Một số loại bia như Hà Nội, Sài Gòn, Heineken bị "cháy hàng".

Ðại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết, trong đợt này, siêu thị đã huy động toàn bộ các quầy thanh toán, tăng cường thanh toán qua thẻ và bổ sung nhân viên để phục vụ, nhưng do quá đông nên tình trạng khách hàng phải chờ đợi vẫn diễn ra. Tại các chợ đầu mối, hàng hóa bắt đầu về nhiều hơn.

Tại chợ hoa quả Long Biên, từ khoảng 9 giờ tối, các xe hoa quả đã xếp hàng dài ngoài cổng chợ chờ bốc dỡ hàng. Hoạt động buôn bán diễn ra suốt từ đêm đến sáng. Một số loại hoa quả đã tăng giá nhẹ. Giá bán buôn, cam Canh loại ngon dao động từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg; bưởi Diễn từ 30 đến 50 nghìn đồng/quả...

Còn tại chợ Ðồng Xuân, giá một số mặt hàng như măng khô, miến, nấm hương... cũng tăng thêm 5-10%. Tôm khô từ 600-900 nghìn đồng/kg tùy loại; măng vầu giá 150-170 nghìn đồng/kg; nấm hương từ 400 nghìn đồng/kg trở lên... Bà Ngọc Lan, bán đồ khô tại tầng 1 chợ Ðồng Xuân cho biết, sát Tết nên giá cũng nhích thêm một chút, lượng hàng năm nay dồi dào, nhưng số lượng khách mua cũng vừa phải, cho nên các quầy hàng không dự trữ nhiều, hết mới nhập tiếp.

Từ ngày 22-1, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội triển khai bốn điểm bán hàng theo mô hình Chợ Tết tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Từ Liêm và Thường Tín. Mỗi điểm bán hàng rộng từ 1.000 đến 3.000 m2. Phó Tổng giám đốc Vũ Thanh Sơn cho biết, mô hình Chợ Tết nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ngoại thành, giúp họ đỡ phải đi lại xa. Ngoài các sản phẩm truyền thống như bánh chưng, giò, nem, rượu vang, bánh kẹo..., bà con còn được tiếp cận với các mặt hàng trong chương trình dự trữ, bình ổn giá của thành phố như gạo, dầu ăn, đường, rau củ quả...

Ngay trong ngày đầu diễn ra, Chợ Tết đã thu hút được đông đảo nhân dân đến tham quan, mua sắm. Ngoài vấn đề giá, người dân khu vực ngoại thành đã để ý nhiều đến nhãn mác, địa chỉ rõ ràng và ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước hơn. Chị Nguyễn Thanh Tuyến, ở thị trấn Sóc Sơn chia sẻ: "Các mặt hàng được bày bán đều phù hợp nhu cầu sử dụng hàng ngày, giá hợp lý và nguồn gốc rõ ràng, cho nên người tiêu dùng rất yên tâm".

Tuy nhiên, so với thị trường Tết những năm trước, sức mua năm nay kém hơn hẳn. Trừ những ngày cuối tuần, còn vào các ngày thường, hoạt động mua sắm khá trầm lắng. Ngày 23-1 (ngày 23 tháng Chạp) không khí mua bán tại các chợ ở Hà Nội cũng không tấp nập như mọi năm.

Chị Hương, bán vàng mã trên phố Hàng Mã cho biết, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm các chi phí không cần thiết, cho nên các mặt hàng vàng mã không bán được mấy. Mấy ngày hôm nay, cửa hàng của chị chủ yếu bán được những bộ "ông Công, ông Táo" cỡ trung bình, giá từ 30 đến 60 nghìn đồng/bộ. Còn các mặt hàng khác như nhà lầu, xe hơi, điện thoại, quần áo giấy bóng nhũ..., giá đắt nên tiêu thụ rất chậm. Tại các chợ, chủ hàng chỉ nhập cá chép nhỏ, loại dưới 100.000 đồng/ba con để dễ bán. Phổ biến nhất là các loại cá nhỏ, giá từ 10-20 nghìn đồng/con. Còn các loại cá chép Nhật, cá chép ngọc trai, chép vảy rồng... giá từ 70-150 nghìn đồng/con ít người mua hơn. Nhiều quầy đến đầu giờ chiều ngày 23 vẫn còn lưng chậu cá.

Thu nhập hạn chế cũng khiến người dân điều chỉnh xu hướng tiêu dùng. Thay vì mua bánh kẹo nhập khẩu, đắt tiền, phần lớn mọi người lựa chọn những sản phẩm sản xuất trong nước có mức giá hợp lý, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng. Tại các siêu thị, những giỏ quà có giá dao động từ 300 đến 800 nghìn đồng tiêu thụ mạnh hơn loại giỏ giá từ 1 triệu đồng trở lên. Chị Nguyễn Ngọc Thúy, ở đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân cho biết: "Năm nay, kinh tế còn khó khăn, cho nên tôi chỉ chọn mua một số loại bánh kẹo, mứt, hạt thông thường, cố gắng giới hạn chi tiêu cho Tết".

Cho đến thời điểm này, có thể nhận định, thị trường hàng hóa Tết tương đối dồi dào, chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Tuy nhiên, đã thành quy luật, vào những ngày 29, 30 Tết, một số mặt hàng như gà ta, rau củ, hoa quả, hoa tươi... vẫn bị tăng giá.

Trước tình hình này, UBND thành phố vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành thành phố tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Thành phố chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp các đơn vị, thực hiện các quy định về luật giá, triển khai các giải pháp cụ thể nhằm bình ổn thị trường, kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa; tránh tình trạng điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm, gây tác động dây chuyền đến giá cả hàng hóa, dịch vụ khác và mặt bằng giá chung. Sở Công thương theo dõi sát diễn biến cung-cầu, mức giá, nhất là với những sản phẩm hàng hóa dịch vụ thiết yếu trong dịp Tết, bảo đảm nhân dân ăn Tết vui tươi, an toàn và tiết kiệm.

 

Theo Nguyên Trang

Theo: www.cafef.vn

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che