Hội nghị tạo điều kiện cho các nhà khoa học quốc tế tiếp xúc, chia sẻ với các nhà khoa học trong nước.
Hội nghị quốc tế địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững GEOTECHN 2013, sân chơi khoa học quy tụ những nhà nghiên cứu hàng đầu quốc tế và Việt Nam, sẽ khai mạc vào 8h30, ngày 28/11, tại Hà Nội. Hội nghị dự kiến sẽ đón khoảng 500 đại biểu đến từ 27 quốc gia trên thế giới tới tham dự.
Hội nghị năm nay tiếp tục đón nhận 6 bài giảng chuyên sâu của 6 giáo sư đầu ngành về địa kỹ thuật trên thế giới gồm: GS. Sven Hansbo (Thụy Điển); GS. Alain Guilloux (Pháp), GS. Rolf Katzenbach (Đức); GS. Fumio Tatsuoka (Nhật), GS. Helmut Schweiger (Áo), GS. Kenichi Soga (Anh).
Hội nghị còn nhận được 76 bài báo cáo chuyên sâu của các nhà nghiên cứu địa kỹ thuật trong nước và quốc tế về 5 chuyên đề:
1. Móng cho nhà cao tầng.
2. Công trình ngầm trong đất yếu.
3. Cải tạo và gia cố nền đất yếu cho công trình hạ tầng.
4. Công tác quan trắc và thiết bị cho công trình ngầm và hố đào.
5. Mô hình các bài toán địa kỹ thuật và phương pháp số.
GS Helmut Schweiger (Áo) là một trong 6 giáo sư đầu ngành tham dự hội nghị. Ông là một trong những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới hiện nay trong lĩnh vực địa kỹ thuật. Những thành tựu nghiên cứu của ông đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngành. Dưới đây là một số chia sẻ của giáo sư Helmut Schweiger.
|
Hội nghị quốc tế GEOTECHN 2011.
|
- Ông có thể cho biết lý do quyết định tham gia hội nghị GEOTECHN 2013 lần này?
- Như chúng ta đã thấy, Hội nghị quốc tế GEOTECHN 2011 đã thu hút 108 bài báo khoa học chuyên sâu về lĩnh vực nền móng và công trình ngầm của các chuyên gia đầu ngành đến từ 24 nước trên thế giới tham dự. Điều đó đã khẳng định sự thành công của một hội nghị mang tầm cỡ quốc tế về Địa kỹ thuật tại Việt Nam. Đó cũng là lý do khiến tôi không hề ngần ngại khi nhận lời mời đóng góp một bài thuyết trình quan trọng cho hội nghị lần này.
- Ông mong đợi điều gì từ hội nghị lần này? Theo ông, hội nghị này sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển ngành địa kỹ thuật nói chung và tại Việt Nam nói riêng?
- Trước hết, tôi nghĩ rằng hội nghị là một cơ hội tốt để chúng ta có cái nhìn bao quát và cập nhật được các công trình nghiên cứu mới nhất về ngành địa kỹ thuật giữa các nước và từ đó có thể vận dụng vào thực tiễn công việc của từng quốc gia.
Ngoài ra, tôi cũng nghĩ rằng hội nghị về địa kỹ thuật là rất quan trọng đối với Việt Nam vì đây là một môi trường, một diễn đàn tốt để chúng ta cùng thảo luận và trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, hội nghị mang tầm cỡ quốc tế này sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, điều mà tôi cho là đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong tương lai.
Đây còn là sự thay đổi tốt cho liên kết chính thức giữa các trường đại học, việc trao đổi sinh viên và nhân viên có thể được thiết lập bằng cách sử dụng mạng lưới hiện có.
|
Hội nghị quốc tế GEOTECHN 2011 đã thu hút 108 bài báo khoa học chuyên sâu về lĩnh vực nền móng và công trình ngầm của các chuyên gia đầu ngành đến từ 24 nước trên thế giới tham dự.
|
- Ông đề xuất gì về những việc nên làm để có thể khuyến khích và thúc đẩy những hội nghị như này tại Việt Nam?
- Tôi nghĩ rằng nhận thức trong cộng đồng địa kỹ thuật đã được nâng lên một tầm cao mới. Vì thế, việc tổ chức sự kiện này là cần thiết để đạt được tiến bộ về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, tôi cho rằng nó cần được tổ chức một cách thường xuyên, định kỳ để trở thành một sự kiện ấn định trong khu vực. Và những đóng góp các công ty có tâm huyết cho sự phát triển khoa học như công ty FECON là rất quý báu.
- Theo ông, FECON đóng vai trò như thế nào cho sự phát triển địa kỹ thuật tại Việt Nam và trong khu vực ?
- Tôi nghĩ rằng những công ty đứng ra để tổ chức một hội nghị góp phần tăng tính chủ động trong hội nhập quốc tế cho ngành kỹ thuật nền móng và công trình ngầm tại Việt Nam như hội nghị này thì đã đóng một vai trò quan trọng rồi. Việc làm này đã thể hiện một thực tế rằng các bạn không chỉ quan tâm đến kinh doanh, mà còn có tầm nhìn sâu rộng hơn là đóng góp cho sự phát triển khoa học, thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.
Đáng quý hơn nữa, các bạn đã rất thông minh khi nâng tầm quốc tế của hội nghị lên, tạo điều kiện cho các nhà khoa học quốc tế tiếp xúc, chia sẻ với các nhà khoa học trong nước. Phần nào, chúng tôi hiểu hơn về Việt Nam, nền khoa học của Việt Nam, và sẽ có những ý kiến đóng góp nhất định cho sự phát triển ngành Địa kỹ thuật của các bạn. Theo tôi, các bạn nên duy trì việc hợp tác với các chuyên gia tư vấn địa kỹ thuật và các trường đại học để thúc đẩy địa kỹ thuật trên tất cả các cấp trong sự nỗ lực chung.
(Nguồn: Công ty FECON)