Chị T., đại diện phòng kinh doanh của Công ty TT (quận 8), kể đã làm ăn với HomeOne từ vài năm nay. “Thời gian đầu không có sự cố gì xảy ra cả. Chỉ từ tháng 6, tháng 7 khi có thông tin một chi nhánh của họ ở quận 10 đóng cửa thì chúng tôi đã ngưng giao hàng và yêu cầu phía HomeOne trả tiền. Tuy nhiên, phía HomeOne cho biết là do nâng cấp mảng bán hàng online nên yêu cầu được gia hạn thanh toán và được Công ty TT giao hàng trở lại” - chị T. nói rõ.
Cũng theo chị T. thì công ty của chị đã bán cho HomeOne số hàng có tổng giá trị gần 200 triệu đồng, hóa đơn hợp đồng ký công nợ là 35 ngày. Giám đốc HomeOne nói đang khó khăn, đang chờ tiền về trả từ từ và cam kết đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ trả tối thiểu mỗi tháng 15 triệu đồng. “Nhưng đến nay đã qua thời hạn 35 ngày lâu rồi mà công ty tôi vẫn chưa lấy được đồng cắc nào. Bây giờ gọi điện thoại liên tục, tìm đến tận nơi vẫn không thể gặp được người của HomeOne” - chị cho biết. Ngoài ra, trước khi trụ sở ở Gò Vấp bị niêm phong, đại diện Công ty TT có đề nghị cho lấy hàng về lại nhưng HomeOne không đồng ý.
Theo nhân viên bảo vệ ở đây, trước khi chúng tôi đến cũng có vài doanh nghiệp đến tìm chủ HomeOne với nhiều khoản nợ từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng nhưng bây giờ họ cũng đành chịu. Thông tin bên ngoài cũng cho thấy HomeOne còn nợ nhân viên cả mấy tháng lương mà không trả hoặc trả rất ít so với quy định.
Một vấn đề nữa rất đáng lưu ý trong vụ việc này là việc HomeOne sẽ thực hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng như thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi đã liên lạc với HomeOne bằng mọi cách vẫn không nhận được phản hồi. Theo một nguồn tin riêng cho biết vào ngày 3-9, Ngân hàng Quân đội đã có buổi làm việc với Công ty Tiên Phong (sở hữu HomeOne) về vấn đề giải quyết nợ nần và quy định nếu 20 ngày nữa Tiên Phong không giải quyết sẽ đưa ra tòa. Đối với Công ty Z755 thì vẫn đang khoanh nợ dành cho Tiên Phong.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP.HCM, cho biết hội chỉ có chức năng hòa giải cho người tiêu dùng. Nếu trường hợp doanh nghiệp phá sản thì quyền lợi của những người có liên quan sẽ do tòa án giải quyết. Tuy nhiên, trường hợp siêu thị ngưng hoạt động ở điểm đó thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng trước pháp luật. Vì vậy, nếu người tiêu dùng đã mua sản phẩm ở siêu thị này mà gặp vấn đề thì cần gửi khiếu nại đến hội. Hội sẽ mời hai bên đến hòa giải để bảo vệ quyền lợi cho chính người tiêu dùng.
Mặt khác, theo ông Phong, hiện nay nhiều người tiêu dùng thường không hiểu rõ sản phẩm điện máy mình mua là do nhà sản xuất bảo hành hay do hệ thống phân phối bảo hành. Theo quy định, nếu có khiếu nại về chất lượng hàng hóa, sản phẩm thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Đến nay, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM tiếp nhận rất ít khiếu kiện đòi quyền lợi khi mua sản phẩm ở siêu thị đã ngưng hoạt động. Cùng với đó là tình trạng người tiêu dùng không thực hiện hết quyền của mình, “đến khi biết sự việc thì than trời là xong, ngoại trừ với những sản phẩm có giá trị cao thì mới quyết liệt đòi hỏi bảo vệ quyền lợi” - ông Phong cho biết thêm.
Theo Tú Uyên – Ái Nhân