Kinh tế tăng trưởng thấp, sức mua yếu khiến số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động tiếp tục tăng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2013, cả nước có khoảng 60.737 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước. Một lượng lớn trong số này là các doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý (40.116 đơn vị), tăng 9% so với năm 2012. Số doanh nghiệp đã giải thể và đăng ký ngừng hoạt động cũng tiếp tục tăng, lần lượt đạt 9.818 và 10.803 đơn vị.
Tại khu vực Nhà nước, khảo sát hồi đầu năm cho thấy trong số hơn 2.800 doanh nghiệp, có 39 đơn vị đã ngừng hoạt động, chủ yếu do sản xuất thua lỗ kéo dài, năng lực quản lý, điều hành hạn chế, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường hoặc đang thuộc diện bán hoặc chờ sắp xếp lại.
|
Doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng trong năm 2013. Ảnh: Anh Quân
|
Mặt khác, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm nay tuy tăng về số lượng nhưng quy mô giảm, đạt 76.955 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 400.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận số doanh nghiệp mới thành lập tăng lên (tăng 10% so với năm trước) nhưng quy mô lại giảm đi (giảm 15%), năng lực sản xuất thấp hơn.
Theo vị này, quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp mới thành lập năm 2013 giảm so với năm 2012, từ 6,68 tỷ đồng xuống còn 5,18 tỷ đồng. Nếu quy về mặt bằng giá năm 2012 thì quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2013 chỉ khoảng 4,18 tỷ đồng.
Việc nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chưa có nhiều đột phá. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2013 tăng trưởng GDP cả nước ước khoảng 5,42%, cao hơn năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. "Tăng trưởng đã được cải thiện so với năm 2012 nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao và chưa bền vững, đóng góp của yếu tố vốn và lao động trong tăng trưởng GDP còn lớn", ông Lâm nói.
Cụ thể, đóng góp của yếu tố vốn và lao động trong tăng trưởng năm nay lần lượt đạt 55,8% và 17,1%, so với mức 59% và 30,9% của năm 2012; 55,5% và 26,2% của năm 2011; 68,8% và 23,1% của năm 2010.
Hoạt động bán lẻ từ năm 2011 đến nay cũng thu hẹp lại, cho thấy sức cầu của nền kinh tế vẫn yếu. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính đạt 2.618.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 - mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng này chỉ còn 5,6%, thấp hơn mức tăng 6,5% của năm 2012. Điều này khiến các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp chết nhiều, giảm quy mô sản xuất kinh doanh khiến tín dụng tăng trưởng ỳ ạch. Đến ngày 12/12/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,83% so với cuối năm 2012, thấp hơn kế hoạch đặt ra là 12%. Hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng theo đó thấp hơn so với các năm trước đây, chênh lệch thu nhập - chi phí 11 tháng năm 2013 chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ .
Tuy nhiên, sang năm 2014 lãnh đạo Tổng cục Thống kê tin tưởng kinh tế sẽ khởi sắc hơn trong điều kiện kinh tế thế giới và niềm tin tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi. "Với những cơ hội và bối cảnh kinh tế quốc tế thuận lợi, nếu có những chính sách đúng đắn thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam có cơ sở đạt mục tiêu 5,8%", ông Lâm khẳng định.
Vị này khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc ngân hàng, giải quyết những điểm yếu liên quan đến nợ xấu, trích lập dự phòng, sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém. Tiếp tục cải cách đầu tư công, tạo các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư của khu vực ngoài nhà nước.
Đồng thời, có những chính sách như thuế, lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả cao, lan tỏa mạnh đến các ngành kinh tế khác để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành này nói riêng và nền kinh tế nói chung, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ.
Phương Linh
Theo: www.vnexpress.net