|
Đồi Vọng cảnh, một trong những điểm du lịch nổi tiếng thường được khách quốc tế chọn là nơi tham quan mỗi khi đến Huế. Ảnh minh họa: Đắc Đức.
|
Ngày 28/6, Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã tổ chức buổi lễ trao bằng công nhận “Thành phố Xanh quốc gia” năm 2016 cho thành phố Huế.
Trong 125 thành phố của 21 quốc gia trên thế giới dự thi, Huế là thành phố đầu tiên tại Việt Nam tham gia chương trình này và đã vượt qua các tiêu chí khắt khe. Cùng với Huế, 17 thành phố khác trên thế giới cũng lọt vào vòng chung kết cuộc bầu chọn do một ban đánh giá gồm 17 chuyên gia độc lập trên thế giới thực hiện. Trong đó, Paris - Kinh đô Ánh sáng trở thành quán quân của cuộc thi.
Là thành viên của chương trình, Huế cam kết đến 2020 giảm 20% mức phát thải khí gây hiện tượng hiệu ứng nhà kính so với mức phát thải của năm 2011. Theo đó, 7 kế hoạch hành động cụ thể sẽ được triển khai, trong đó chú trọng vào xanh hoá đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường.
|
Huế cam kết đến năm 2020 sẽ giảm 20% lương khí thải toàn thành phố. Ảnh minh họa: Đắc Đức.
|
Ông Văn Ngọc Thịnh, giám đốc quốc gia WWF tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, những điều Huế đang làm cần được khích lệ và nhân rộng.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế (Thừa Thiên - Huế), nhấn mạnh việc Huế được trao tặng danh hiệu thành phố Xanh là niềm vinh dự lớn với chính quyền và người dân thành phố. “Phát triển thành phố theo hướng tăng trưởng xanh, ổn định, bền vững, có bản sắc và mang đặc thù của Việt Nam là định hướng xuyên suốt đã được chính quyền thành phố và tỉnh Thừa Thiên - Huế lựa chọn”, ông Thành nói.
Chương trình thành phố Xanh quốc tế là một sáng kiến của WWF nhằm kiêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường, đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Đắc Đức