Cập nhật lúc:
3/18/2013 11:57:41 AM
Nâng cao nhận thức của NTD và cả doanh nghiệp về quyền của NTD đang là vấn đề đặt ra không chỉ với Hội bảo vệ NTD.
Người tiêu dùng “ngại”, doanh nghiệp “ngó lơ”
Đã gần 2 năm kể từ ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành và đưa vào áp dụng, triển khai (1/7/2011), nhưng cho đến nay, đại đa số NTD vẫn chưa hiểu rõ về các quyền cơ bản của mình được hưởng trong quá trình mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp (DN), dẫn đến NTD không biết cách tự bảo vệ mình khi các quyền lợi của họ bị xâm phạm. Bên cạnh đó, đa số các DN chưa có chính sách minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, dịch vụ và nhà sản xuất, nhà cung cấp trên sản phẩm và nơi bán cho NTD.
Bên cạnh việc thiếu thông tin, một bộ phận NTD dù có kiến thức nhưng cũng ngại “va chạm” bởi hành trình đi đòi quyền lợi là khá gian nan. Một trong những lý do là sự bất hợp tác của DN.
Một số trường hợp, NTD phát hiện sản phẩm bị lỗi, nhiều lần liên hệ với công ty sản xuất nhưng không được giải quyết, đã làm đơn gửi Hội Bảo vệ NTD. Tuy có đầy đủ căn cứ chứng minh và yêu cầu của NTD là hợp lý, nhưng nhiều DN không đồng thuận hòa giải, buộc NTD phải khởi kiện lên Tòa án. Có trường hợp NTD mua sản phẩm võng xếp của doanh nghiệp D, sau vài lần bảo hành, lỗi của sản phẩm vẫn chưa được khắc phục. Đến lần thứ 3, NTD nhận được yêu cầu phải trả phí với mức khoảng 60% giá bán sản phẩm, trong khi thời hạn bảo hành chưa hết. Khi Hội Bảo vệ NTD và Sở Công thương mời hai bên gặp mặt để giải quyết nhưng DN vẫn chưa một lần xuất hiện.
Nhiều hoạt động giúp cho NTD hiểu rõ hơn về quyền của mình và DN nâng cao trách nhiệm (Ảnh: TL)
Hiện nay, Hội Bảo vệ NTD chỉ đóng vai trò là tổ chức hòa giải giữa DN và NTD, không có chức năng xử lý vi phạm. Theo quy định, Sở Công thương được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD nhưng thực tế, trong nhiều vụ giải quyết khiếu nại, đơn vị này cũng chỉ là thành viên trong hội đồng hòa giải. Chính vì vậy, không ít NTD đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” bỏ qua quyền lợi chính đáng của bản thân.
Điều 28, khoản c của Luật Bảo vệ NTD có quy định, với những vụ việc khiếu nại đại diện cho lợi ích cộng đồng, NTD có thể ủy quyền cho Hội hoặc Hội có thể tự khởi kiện DN ra tòa. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các vụ việc được đưa ra Tòa án giải quyết rất hiếm hoi, một phần do tâm lý ngại “đáo tụng đình”, một phần do nhận thức của NTD về quyền của mình còn rất hạn chế.
Nâng cao nhận thức
Năm nay, hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của NTD thế giới 15/3 đã được chuẩn bị sớm hơn. Thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là chủ đề xuyên suốt được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) chọn làm chương trình hành động hướng tới NTD Việt Nam năm 2013. Từ ngày 7/3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đã chính thức phát động kêu gọi các tổ chức, DN, cùng gần 90 triệu NTD Việt Nam hưởng ứng ngày của NTD thế giới 15/3.
Tại các địa phương trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo quyền lợi trực tiếp cho NTD và DN. UBND Tp. Đà Nẵng vừa quyết định chi gần 170 triệu để triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh việc truyên truyền và nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam. Theo đó, toàn bộ kinh phí này được chi cho việc in ấn tài liệu tuyên truyền và tổ chức hội thảo về Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới. Hội thảo này dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 15/3 với chủ đề “Môi trường pháp lý bảo vệ quyền lợi NTD và kinh nghiệm giải quyết các khiếu nại của NTD”.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, Sở Công thương sẽ phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng thành phố cùng với Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam tổ chức ngày "Quyền của người tiêu dùng thế giới vào ngày 15/3. Chương trình tập trung vào các chủ đề chính gồm: hội thảo Quyền được thông tin của NTD, tập trung đánh giá về thực trạng sự hiểu biết của người tiêu dùng và DN đối với quyền được thông tin của NTD; Hội chợ - Triển lãm Nhận biết hàng thật, phân biệt hàng giả với hơn 300 sản phẩm về nhiều lĩnh vực như mỹ phẩm, mũ bảo hiểm, quần áo may sẵn, đồ đa dụng, điện tử… tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh Niên từ ngày 14 đến 17/3.
“Tháng hành động vì người tiêu dùng” do UBND Tp. Hà Nội tổ chức diễn ra từ 1 đến 31/3/2013 tại 105 điểm là các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị điện máy. Sở Công thương Tp. Hà Nội phát động chương trình “Tìm hiểu về Luật Bảo vệ quyền NTD” từ ngày 6/3 đến 30/6.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Tp. Hà Nội cho rằng: “Chương trình Hành động vì quyền lợi NTD được Tp. Hà Nội tổ chức thường niên từ năm 2011. Mục tiêu của chương trình ngoài việc hưởng ứng Ngày Quyền NTD thế giới, còn giúp NTD hiểu rõ hơn quyền và trách nhiệm của mình, DN quan tâm đến quyền lợi của NTD trên có sở đó có định hướng sản xuất trong thời gian tới”.