Nhiều cổ phiếu như REE, FPT hay VNM đã hết room ngoại những vẫn thu hút lượng lớn sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài mỗi ngày. Đề xuất tăng room ngoại đã có, nhưng thời điểm chấp thuận vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Ông Roger Lewis, một nhà đầu tư người Mỹ mở tài khoản cá nhân tại Công ty Chứng khoán VNDirect phàn nàn đã vài tháng trôi qua nhưng vẫn chưa thể mua cổ phiếu nào ở Việt Nam chỉ bởi tỷ lệ sở hữu (room) khối ngoại một số mã ông cho rằng tiềm năng đều là 0%. “Thông thường phải mất ít nhất 1-2 tháng để tôi tìm hiểu về cổ phiếu một công ty nào đó rồi mới mua. Sau khi thực hiện giao dịch, tôi muốn nắm giữ dài hạn thay vì lướt sóng hàng ngày. Tuy nhiên những mã tôi ưng ý đa phần đã hết room cho khối ngoại từ lâu”, ông Roger chia sẻ.
|
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang kỳ vọng đề xuất nới room khối ngoại sớm được chấp thuận. Ảnh: ĐTCK
|
Trường hợp của nhà đầu tư này không phải ngoại lệ khi nhu cầu đối với cổ phiếu các công ty niêm yết Việt Nam của khối ngoại ngày một gia tăng. Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính riêng tháng 10 vừa qua, số nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch tăng 13% so với tháng trước và cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu năm đến nay, cả nước có 604 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch (bao gồm cả tổ chức và cá nhân), tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện hai sàn chứng khoán có gần 700 mã, hơn 20 cổ phiếu trong đó đã khóa room nước ngoài, theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect. Nếu muốn mua những cổ phiếu này, nhà đầu tư ngoại chỉ còn cách tự tìm đối tác cũng là người nước ngoài thỏa thuận thay vì được khớp lệnh tại sàn như những mã khác.
>> Xem thêm: Danh sách cổ phiếu hết room ngoại trên hai sàn
Khi “đổ bộ” vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đa phần các nhà đầu tư ngoại đều có xu hướng muốn sở hữu trung, dài hạn những cổ phiếu thuộc dạng blue-chip với tình hình tài chính và tỷ lệ cổ tức niêm yết ổn định. Các mã FPT (Tập đoàn FPT), REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh) hay DHG (Công ty cổ phần Dược Hậu Giang), VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam) là những ví dụ điển hình. Trong đó, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp niêm yết những mã này đều cao hơn 5-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) theo đó cũng tăng vọt, dao động từ 2% đến trên 70%.
Không chỉ vậy, suốt nửa năm qua, thị giá các blue-chip này cũng tăng từ 10.000 đến trên 50.000 đồng. Theo một nhân viên môi giới cổ phiếu lâu năm tại Chứng khoán MB, điểm khác biệt lớn nhất giữa nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước là khả năng tài chính. Khối ngoại có tiềm lực tài chính mạnh nên việc nắm giữ blue-chip là chuyện không quá khó khăn. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước đa phần thích đánh nhanh thắng nhanh, vốn lại không nhiều, do vậy thường tập trung vào các mã penny, midcap có thị giá thấp hơn, nhân viên này cho biết.
Để tăng thêm cơ hội thu hút vốn ngoại, hồi tháng 7, Ủy ban Chứng khoán từng đề xuất Chính phủ về việc gia tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài riêng lẻ. Theo đó, phương án dự kiến có thể là là nâng room khối ngoại thêm 10% bằng cách phát hành thêm cổ phiếu không quyền biểu quyết.
Đề xuất này được xem là làn gió mới kỳ vọng hâm nóng thị trường chứng khoán lúc bấy giờ. Thế nhưng, sau hơn 4 tháng kể từ khi trình Chính phủ, kết quả nới room vẫn chưa được thống nhất.
Một nhà đầu tư người Malaysia có tài khoản tại Công ty Chứng khoán TP HCM cho biết ông thực sự hy vọng tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại sẽ được mở trong thời gian sớm nhất có thể. “Tôi không quan tâm nhiều về chuyện quyền lợi của mình đối với công ty, do vậy việc phát hành cổ phiếu không quyền biểu quyết đối với tôi là chuyện bình thường. Cái chính là cổ tức và trị giá vốn tăng sau khi giải ngân vào những cổ phiếu như vậy”, vị này chia sẻ.
Hiện trong danh mục của ông chủ yếu có cổ phiếu VNM, sở hữu từ nhiều năm nay. Đồng thời ông cũng cho biết thêm bản thân cũng từng sở hữu cổ phiếu không quyền biểu quyết ở thị trường chứng khoán Thái Lan và không thấy có bất tiện gì xảy ra.
Cũng chung quan điểm như vậy, ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Khối môi giới niêm yết, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết hàng ngày doanh nghiệp này có rất nhiều lệnh mua do nhà đầu tư nước ngoài đặt phải hủy vì cổ phiếu hết room. “Họ cứ đặt lệnh như vậy nhưng room làm gì còn. Tôi nghĩ vấn đề chính các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài quan tâm đơn thuần là muốn đi theo sự tăng trưởng của doanh nghiệp, do vậy bất cứ hình thức nào nới room cũng vẫn được hoan nghênh”, ông Dũng nói.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo cao cấp tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết hiện nay chính cơ quan này cũng chưa rõ ngày nào sẽ được nới room cho khối ngoại. “Tôi cũng hi vọng được nới sớm, nhưng hiện thời tất cả đều nằm ngoài tầm quản lý của Ủy ban. Việc trình đề xuất có thể tiến hành lâu, mất thời gian do phải hỏi ý kiến các bộ, ngành và những cơ quan này cũng phải bàn bạc rất kỹ mới có thể ra quyết định”, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho hay.
Theo vị này, đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài đi vào thực tiễn, dòng vốn trong lĩnh vực chứng khoán sẽ được khơi thông, các quỹ mở có nhiều cơ hội giúp sức cho thị trường. Hiện tại, dưới góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá cao và đầy tiềm năng, ông nhấn mạnh.
Từng chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định khi room ngoại được mở, thị trường chứng khoán trong nước sẽ có nhiều tác động mạnh như tăng thanh khoản, tạo cơ hội thành lập các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ mở để thu hút dòng vốn ngoại. Nhờ vậy, vốn huy động từ nước ngoài cũng dễ dàng hơn, giúp thay đổi cơ cấu doanh nghiệp theo hướng có nhiều nhà đầu tư tổ chức và thêm đất sống cho các công ty quản lý quỹ.
Tường Vi
* Tên nhà đầu tư đã được thay đổi.