Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định chi phí đầu tư cho công nghệ mới sẽ khiến giá thành dịch vụ tăng cao, chưa phù hợp với chi tiêu của người dân lúc này.
|
Hiện 4G đang trong giai đoạn thử nghiệm và đến 2015 mới có thể cung cấp đến người tiêu dùng. Ảnh: Anh Quân
|
Theo phân tích của Bộ Thông tin và Truyền thông tại buổi giao ban ngày 5/12, trên thế giới đã khoảng 30 nước có doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ 4G, trong đó có một số quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Indonesia và mới đây là Trung Quốc. Mạng 4G trong điều kiện lý tưởng đạt tốc độ truyền tối đa 1Gbkps đối với người dùng tĩnh và 100Mbkps với người di chuyển.
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) sáng 5/12 đã đề xuất với lãnh đạo Bộ xem xét việc họp với doanh nghiệp để đánh giá, triển khai sớm công nghệ mạng 4G tại Việt Nam. Phía Cục cho rằng năng lực và công nghệ, cũng như vấn đề tài chính hiện nay của các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng, có thể triển khai ngay mà không cần đợi thêm 2 năm nữa.
Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định 4G Việt Nam cần tuân theo đúng lộ trình, sớm nhất là năm 2015. Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia cũng nêu rõ đến sau 2015 thì Chính phủ mới xem xét triển khai cấp phép 4G.
Bên cạnh đó, một phần lý do là công suất mạng 3G vẫn chưa được khai thác hết nên đẩy nhanh quá trình sẽ gây lãng phí. "Nhà mạng đầu tư 2 tỷ USD cho hạ tầng 3G, người dân cũng phải chi rất nhiều tiền để sắm thiết bị tương thích mà vẫn chưa dùng hết công suất", Bộ trưởng nhận định. Việc đầu tư 4G lúc này có thể tiêu tốn của nhà mạng thêm tiền tỷ cho hạ tầng và người tiêu dùng cũng phải bỏ số tiền không kém để mua thiết bị đầu cuối có hỗ trợ nền mạng này.
Lãnh đạo Bộ cũng cho rằng công nghệ còn chưa hoàn chỉnh vì quá mới, giá thành lại cao thì chưa nên áp dụng. Theo ông, chỉ khi thị trường đi vào ổn định, giá thành trở nên hợp lý, dễ tiếp cận với số đông người dùng thì mới nên triển khai. Hiện tại, Bộ cũng đã cấp phép cho một số doanh nghiệp viễn thông để thử nghiệm mạng 4G.
"Đến thời điểm thích hợp, Bộ sẽ cho đấu giá băng tần như 3G trước đây, không cấp phép trực tiếp cho doanh nghiệp nào hết", Bộ trưởng khẳng định. Năm 2009, Bộ đã cấp 4 giấy phép cung cấp 3G cho Viettel, Mobifone, Vinaphone và liên minh EVN Telecom-HT Mobile (nay EVT Telecom đã sáp nhập với Viettel, HT Mobile đổi tên thành Vietnamobile). Đến nay trong số 5 doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động thì có 4 đơn vị cung cấp 3G (riêng Gmobile chỉ có 2G).
Anh Quân