Điều này không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng mà quan trọng hơn, những hành vi trên còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do các thiết bị, phụ kiện dởm, kém chất lượng gây ra.
Mặc dù chế tài xử phạt đối với các hành vi này đã được ban hành từ lâu, nhưng trên thực tế, việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là nội dung chính được tranh luận sôi nổi tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Hướng tới thị trường gas minh bạch, an toàn" do Báo Công Thương tổ chức ngày 19/9, tại Hà Nội.
Gian lận đầy tinh vi
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trước 2003 có khoảng 30 doanh nghiệp đầu mối gồm 7 doanh nghiệp nhà nước, 16 doanh nghiệp quốc doanh và 7 doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, sau khi Nghị đinh 107/NĐ-2009/CP được ban hành, số đầu mối thu hẹp lại còn 23 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu và cung cấp gas.
Trong đó, có khoảng 130 tổng đại lý thuộc các thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG). Ngoài ra còn có trên 3.500 đại lý và trên 8.000 cửa hàng bán lẻ LPG.
Tổng sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam trong năm 2012 là 1.242.669 tấn, trong đó nhập khẩu là 625.669 tấn (giá trị đạt trên 580,3 triệu USD).
Trước một thị trường khá tiềm năng, tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh gas thời gian qua cũng diễn ra rất phức tạp. Theo ông Trần Trọng Hữu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam, không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như ở Việt Nam.
Minh chứng cho việc trên, ông Hữu cho rằng, do kinh doanh gas có chi phí đầu tư quá lớn dẫn đến phát sinh hiện tượng gian lận rất nhiều, cộng thêm việc dễ dãi, chưa có chế tài rõ ràng dẫn đến việc xử lý gian lận rất khó.
"Tôi thấy không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như thị trường Việt Nam. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng của người sử dụng mà cấp phép kinh doanh gas quá dễ dàng," ông Hữu nói.
Trong số đơn gửi tới Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam liên quan đến mặt hàng gas, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội cho hay, hiện nay thị trường gas làm người tiêu dùng thiệt đơn, thiệt kép.
Ông Hùng đơn cử, ngày 26/6/2102 Hội đã nhận được thư kiến nghị khẩn về việc 148 hộ dân (có cả người nước ngoài) không nấu ăn được do Công ty cổ phần Dầu khí Sông Hồng ngừng cung cấp gas trong khi 2 bên chưa thống nhất về một số tranh cãi, gây nên cảnh hỗn loạn.
"Theo nội dung đơn thì doanh nghiệp cung cấp độc quyền, nhà cung cấp khác đến cũng rất khó. Do vậy, người thì mua bình gas khác, người thì dùng bếp điện nhưng chỉ để giải quyết tình thế," ông Hùng dẫn chứng.
Thống kê của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), mỗi năm lực lượng này kiểm tra xử lý gần 90 nghìn vụ vi phạm pháp luật. Riêng 8 tháng đầu năm 2013, đã xử lý 400 vụ, phạt hành chính 2 tỷ đồng, tịch thu hơn 15 nghìn bình LPG, hơn 20 nghìn bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết ga trái phép...
Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận, dù phát hiện nhiều vụ việc nhưng nhìn chung, tình trạng sang chiết gas trái phép vẫn diễn biến khá phức tạp. Một trong những nguyên nhân chính là đối tượng làm ăn phi pháp tinh vi, thay đổi phương thức hoạt động.
Cụ thể: sang chiết gas trái phép ở vùng ven đô, hẻo lánh…, sang chiết bằng dụng cụ tự chế, mua lại vỏ bình trôi nổi, chiếm dụng vỏ bình doanh nghiệp có uy tín cắt quai, sơn lại, mài chữ để làm giả...
Siết từ doanh nghiệp đầu mối
Trước một thị trường gas phức tạp và lộn xộn, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng đưa ra nhận định, Nghị định 07/2009/NĐ-CP được ban hành đã đóng góp tích cực đối với thị trường LPG trong thời gian qua. Tuy nhiên, sau gần 4 năm áp dụng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập cần xem xét.
Theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, Nghị định 107 vẫn chưa có chế tài để kiểm soát và quản lý chặt chẽ thương nhân phân phối LPG cấp I nên nhiều Tổng đại lý hoặc đại lý vi phạm nhưng không thể xử lý được.
Bên cạnh đó, việc xây mới và cấp phép các trạm chiết nạp LPG chủ yếu là các trạm của các doanh nghiệp nhỏ mới được thành lập nên chưa thực sự chặt chẽ, tình hình sang chiết nạp LPG vi phạm các quy định về sang chiết trở nên phổ biến.
Các quy định và hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với các thiết bị phụ trợ liên quan đến vận hành và sử dụng LPG về chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, nguồn gốc xuất xứ như bếp LPG, ống dẫn LPG và van chai LPG các loại, van khóa đường ống,… chưa cụ thể và sát sao.
"Sắp tới Vụ Thị trường trong nước sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị định 107, vấn đề nào chưa hoàn thiện sẽ kiến nghị bổ sung, sửa đổi," ông Lộc An cho hay.
Để tiến tới thị trường gas minh bạch, an toàn, ngày 31/07/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) bằng thép có dung tích chứa từ 0,5-150 lít.
Theo đó, bên cạnh những quy định về vật liệu, thiết kế và chế tạo như: Chi tiết hàn vào chai phải được chế tạo bằng vật liệu tương thích; các đáy chai phải chế tạo theo dạng hình elip hoặc chỏm cầu và phải làm bằng vật liệu liền tấm theo đúng kỹ thuật…
Ngoài ra, quy trình chế tạo bình chứa LPG còn phải đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về các thử nghiệm trong chế tạo để được nghiệm thu như: Thử cơ tính (thử kéo, thử uốn, thử kéo mối hàn), kiểm tra bề mặt mối hàn, kiểm tra thô đại và chụp ảnh bức xạ, thử nổ thủy lực, thử kín, thử mỏi…
Trong quá trình nạp LPG vào chai, phải tiến hành thực hiện kiểm định khi phát hiện chai quá thời hạn kiểm định hoặc không thể xác định được thời hạn kiểm định; không được nạp LPG vào chai không có thông tin về khối lượng vỏ; có khuyết tật hoặc hư hỏng ở tay cầm, vành chân đai hoặc bị ăn mòn nhìn thấy được.
Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cũng nêu ý kiến, ngoài việc tăng cường xử lý vi phạm trong kinh doanh gas thì cần có những biện pháp mạnh như rút giấy phép kinh doanh để doanh nghiệp đầu mối phải tuân thủ quy định pháp luật.
Theo Đức Duy