Ông Chương cho biết: Năm 2012, VN nhập siêu hàng Trung Quốc lên tới 16,3 tỉ USD, trong đó hơn 85% hàng nhập là nguyên liệu đầu vào... Như vậy, kể từ năm 2001 - năm đầu tiên khi bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc - đến nay nhập siêu hàng hóa từ quốc gia này ngày càng tăng mạnh.
* Bộ Công thương VN và Bộ Thương mại Trung Quốc đã có những thỏa thuận cụ thể nào, thưa ông?
- Chúng tôi đã thống nhất năm biện pháp cụ thể, trong đó có thỏa thuận phía Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp VN, hiệp hội ngành hàng VN tham gia các hội chợ có tiếng của Trung Quốc; Trung Quốc sẽ tích cực ủng hộ VN hoàn tất việc lập năm văn phòng thương mại tại năm tỉnh của Trung Quốc, trong đó có Trùng Khánh, Thành Đô, Chiết Giang, Hải Nam... Đặc biệt, lần đầu tiên VN đề xuất và Trung Quốc đã đồng ý sẽ tổ chức hội nghị định kỳ xem xét, quản lý buôn bán biên giới, giảm hiện tượng tiêu cực... Mà buôn bán biên giới hàng VN chủ yếu là nông sản, hoa quả... Có khó khăn gì chúng ta có thể đưa luôn ra cuộc họp thường niên đó để giải quyết ngay.
* Nhiều doanh nghiệp VN cho biết đã gặp khó khăn khi đưa hàng lên biên giới, đặc biệt là bị ép giá, ông bình luận gì về những phàn nàn này?
- VN và Trung Quốc hiện nay đều là thành viên WTO, giá cả phải theo thị trường, phản ánh cung cầu. Doanh nghiệp cứ nói bị ép giá nhưng cách tiếp cận thị trường một cách đơn giản là khi có hàng thì đem lên biên giới, nhưng lại không có đầu mối, đối tác bền vững thì dễ ở trong thế bất lợi. Nhất là vào mùa vụ thu hoạch, hàng hóa nhiều, trong khi nông sản lại chóng hỏng nên giá thường bị giảm.
Với một đối tác nhiều kinh nghiệm như Trung Quốc, việc các doanh nghiệp đưa hàng ào ạt như vậy sẽ bị họ tận dụng được nguyên tắc thuận mua vừa bán, ép giá doanh nghiệp VN. Nhưng theo thỏa thuận giữa hai bên, Trung Quốc đã cam kết tới đây sẽ ưu tiên và tạo thuận lợi hơn cho hàng chính ngạch VN.
* Nhưng liệu có những biện pháp nào cụ thể hơn để hàng VN không bị ép giá nữa?
- Chúng tôi không thể thay thế doanh nghiệp được mà chỉ tạo quan hệ, xây dựng hành lang pháp lý. Doanh nghiệp VN muốn tăng mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc thì cần có chiến lược tiếp cận, tìm đến những doanh nghiệp lớn của họ. Thay vì cứ có hàng đem lên biên giới, doanh nghiệp VN cần tham gia các hội chợ của Trung Quốc, tìm cách tiếp cận các đầu mối phân phối, nhà nhập khẩu lớn của họ để xuất khẩu trực tiếp cho hệ thống phân phối này. Khi đó, lượng hàng xuất khẩu tăng, làm ăn theo hợp đồng...
Theo tôi, doanh nghiệp VN cần gạt bỏ kiểu buôn bán chụp giật, tâm lý nhỏ lẻ, mà có sự hợp lực để mở thị trường. Chứ như hiện nay cứ bán quanh biên giới, bán nông sản mà không biết chợ đầu mối của họ ở đâu thì có thể gặp khó khăn. Thị trường họ lớn như thế, nếu chúng ta chỉ bán ở biên giới thì bản thân doanh nghiệp buôn bán biên giới của Trung Quốc cũng chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, không chuyên sâu. Nhu cầu thị trường Trung Quốc lớn, tiềm năng VN có nhưng chọn đối tác của VN chưa tốt...
* Ngoài tăng cường xuất khẩu nông sản, VN có những biện pháp gì để giảm nhập siêu từ Trung Quốc?
- Có hai giải pháp cơ bản. Thứ nhất là chúng ta đang thu hút đầu tư với định hướng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu. Đến nay, một số nhóm mặt hàng như sắt thép, hóa dầu, vật liệu xây dựng VN đã dần nâng thị phần hàng trong nước, đáp ứng yêu cầu. Dầu thô, ximăng trước nhập hoàn toàn, nay đã xuất khẩu. Vật liệu xây dựng trước chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng nay hàng VN đã rất đa dạng, có thị phần. Cơ bản chúng ta sẽ dần giảm sự lệ thuộc, chủ động được hàng hóa.
Thứ hai là đưa ra danh mục khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào VN để gia công, chế biến mặt hàng VN đang xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng hàng thô, tươi.
Theo Cầm Văn Kình