Cập nhật lúc:
5/26/2012 2:30:48 PM
Mất hơn 300.000 đồng để mua phiếu ăn trên mạng, chị Hoa vô cùng thất vọng khi phiếu ăn dành cho 4 người nhưng nhà hàng chỉ phục vụ 2 người, lại thiếu chu đáo.
Như bị lừa đảo
Tình cờ đọc được quảng cáo mua rẻ của một trang bán hàng trên mạng, chị Hoa, một nhân viên văn phòng ở Láng Hạ, liền đăng ký mua một phiếu ăn. Theo quảng cáo, phiếu ăn này có giá 600.000 đồng nhưng khi mua trên mạng tại website đó, khách hàng chỉ phải trả số tiền 320.000 đồng, tiết kiệm gần 50%. Chị Hoa cho biết, trên website, hình ảnh các món ăn được bày biện đẹp mắt cùng với những lời quảng cáo hấp dẫn đã khiến không ít người như chị nhẹ dạ mua phiếu ăn vì ham rẻ.
Đến nhà hàng, chị thực sự bức xúc vì nhân viên nhà hàng cho rằng, phiếu ăn này chỉ phù hợp cho 2 đến 3 người. Thực đơn thì lèo tèo, đành phải gọi thêm các món khác ngoài set ăn với giá đắt hơn nhiều. Bên cạnh đó, thái độ phục vụ của nhân viên nhà hàng đối với những khách đến ăn bằng phiếu mua giảm giá thường không nhiệt tình.
"Đúng là của rẻ là của ôi. Mang tiếng được giảm mà phải gọi thêm nhiều thức ăn", chị tá hỏa khi phiếu thanh toán lên tới vài trăm nghìn đồng.
Tương tự như chị Hoa, anh Duy, nhân viên công ty truyền thông ở Trung Hòa Nhân Chính, cũng đã thất vọng khi mua hàng từ phiếu giảm giá trên mạng.
Thấy quảng cáo hai chiếc quần nam có giá chưa tới 200.000 đồng, chất liệu cottton cùng thiết kế đẹp, anh liền đăng ký mua 4 chiếc với giá 240.000 đồng. Sau khi nhận được phiếu mua, anh mang tới cửa hàng theo hướng dẫn để lấy. Mướt mồ hôi đi tìm cửa hàng tại khu tập thể Phương Mai, anh bất ngờ khi nhân viên cửa hàng là bác trông xe khu tập thể. Ông bảo vệ cho biết, ông được một chị nhờ ai đến đưa phiếu thì giao hàng, còn không rõ công ty nào.
Về đến nhà, thử đồ anh lại thêm thất vọng vì chất liệu, màu sắc cũng như kiểu dáng không đúng với quảng cáo. Chỉ có độc một size duy nhất không vừa, anh đành vứt xó tủ cho tới bây giờ. Trong khi đó, vợ anh Duy cho rằng, nếu mua chiếc quần này ngoài chợ giá chỉ 50.000 đồng/chiếc.
Khi được hỏi về mua thẻ giảm giá trên mạng, chị Quyên, Công ty đầu tư Hà Nội phàn nàn, chị mới đi du lịch miền Trung nhưng đã gặp nhiều bức xúc khi đoàn thăm quan không đúng các địa điểm như quảng cáo. Chị và gia đình cũng chỉ được ở khách sạn hai sao của một đơn vị tư nhân, thường xuyên mất điện. Những ai muốn tham gia các hoạt động khác phải đóng thêm tiền.
Đánh vào tâm lý ham rẻ
Sau một thời gian ngắn, hàng loạt website mua phiếu giảm giá trên mạng ra đời từ thực phẩm, đồ gia dụng, thời trang tới du lịch. Đánh trúng tâm lý ham mua rẻ, các web này thường đưa ra các chương trình giảm giá hấp dẫn, thậm chí gây sốc. Thường các chương trình này quảng cáo cho các chị em, dân văn phòng công sở,... đây là đối tượng thường xuyên sử dụng internet, có thu nhập và cũng ham của rẻ.
Thực tế không ít sản phẩm chủ web cùng với chủ cửa hàng đã tăng giá bán, sau đó giảm giá. Anh Khánh, nhân viên công ty Đông Nam cho hay, anh đã sử dụng nhiều thẻ giảm giá để mua hàng, tuy nhiên nhiều sản phẩm anh mua có giá ngang ngửa như ngoài thị trường.
Đơn cử, mới đây anh xem trên một trang deal có thẻ giảm giá mua gói kẹo với giá hấp dẫn nhưng phải đến 5 ngày sau nhân viên mới giao thẻ giảm giá. Sốt ruột, anh gọi điện trực tiếp tới cửa hàng, nhân viên bán hàng cho biết, anh có thể trực tiếp qua cửa hàng để mua gói kẹo đó với giá chỉ đắt hơn 5.000 đồng.
Chị Nga, Công ty An An, chia sẻ, chị cảm thấy như bị lừa khi mua một chiếc áo. Quảng cáo mua chiếc áo chỉ có 80.000 đồng/chiếc, đủ màu sắc lựa chọn, chị nhanh tay mua 1 phiếu giảm giá. Nhưng thực tế, chiếc áo tại cửa hàng được bày tại khu vực giảm giá, thanh lý hàng tồn kho. Màu sắc và chất liệu không đúng, nhân viên bán hàng chia sẻ, hình ảnh trên web chỉ mang tính minh họa, cửa hàng không chịu trách nhiệm. "Mua hàng bằng tiền thì có thể trả lại nhưng mua thẻ giảm giá thì khó có thể đổi lại", chị Nga cho biết.
Chị Trang, Công ty Hibrand cho hay, mặc dù quảng cáo giảm giá có lúc lên tới 50% nhưng chị vẫn có thể tìm được những nơi bán rẻ hơn mà không mất thời gian mua phiếu, rồi đến nơi nhận hàng. Chị Trang chia sẻ, chị thực sự không tin vào chất lượng cũng như việc giảm giá của những loại hình mua bán này.
Không ít sản phẩm được chào bán trên các trang mạng này đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hầu hết là sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Điều đặc biệt, website nào cũng đều có điều khoản không xuất hóa đơn VAT. Nếu mua sản phẩm không ưng ý, khách hàng không có quyền trả lại thẻ giảm giá. Chủ cửa hàng cũng như chủ website đều không chịu trách nhiệm về điều này.
Trao đổi về vấn đề này, một luật sư cho biết, do giá trị của sản phẩm chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng nên những người mua thường bỏ qua không khiến kiện. Bên cạnh đó, để có đầy đủ chứng cứ chứng minh họ phải mất nhiều thời gian. Các chủ website cũng như chủ cửa hàng thường đưa ra những điều khoản chặt chẽ nếu người mua không đọc kỹ có thể bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo. Chính vì thế, mỗi người tiêu dùng cần thông tin và lựa chọn kỹ sản phẩm trước khi mua hàng không để tiền mất tật mang, mua bực vào mình.
Theo Phạm Trang
VEF