Nền kinh tế được Tiến sĩ Võ Trí Thành ví như chiếc xe đang chạy 60-70 km/h bỗng phải hạn chế tốc độ xuống 30-40 km/h, gây ra cảm giác chậm chạp, ì ạch.
Tại Hội thảo “Kinh tế Thế giới và Việt Nam: Thực trạng 2014 và Triển vọng 2015” tổ chức ngày 4/11, ông Sanjay Kaira - Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho rằng nền kinh tế đang có dấu hiệu khả quan trong năm nay. Nếu duy trì tốt quá trình tái cấu trúc, Việt Nam còn có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vị chuyên gia IMF cũng cho rằng kỳ vọng vào tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam nhiều hơn mức thực tế. “Trong khi nhiều nước trên thế giới tăng GDP 5,5% là khó khăn thì với Việt Nam, mức tăng trưởng này vẫn thấp”.
|
Đà phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là mong manh. Ảnh: Bloomberg
|
Ông này cho biết với dân số trẻ, Việt Nam có cơ hội mở rộng cửa thương mại với thế giới không chỉ trong năm 2015 mà những năm tiếp sau. Tuy nhiên thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt chính là sự cạnh tranh của thị trường rộng lớn.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện phó Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương ví von nền kinh tế giống như đang đi trên quốc lộ với tốc độ từ 60-70 km mỗi giờ, lại gặp biển báo giới hạn tốc độ xuống 30-40 km thì ngay lập tức sẽ có cảm giác như rùa bò. “Dễ hiểu với mức tăng trưởng 5,5% khi chưa đúng với tiềm năng của mình, Việt Nam có lý do để không hài lòng”, ông Thành nói.
Theo ông Thành thời gian tới, nền kinh tế có nhiều điều kiện để tăng trưởng cao như: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện nhờ một số luật sử đổi được thông qua như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp...
Tuy nhiên PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại khá thận trọng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã trải qua thời gian khó khăn kéo dài nên không dễ có gam màu sáng theo cách đơn giản như vậy. “Tuy kinh tế đã phục hồi nhưng thực ra còn rất mong manh”, ông nói.
Mặc dù tổng thể các chỉ số GDP đều tăng lên, ngay cả cơ cấu cũng có sự chuyển dịch từ khu vực dịch vụ sang công nghiệp nhưng vị này cho rằng lực lượng tạo nên sự thay đổi này đến từ khu vực doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, doanh nghiệp nội đang quá yếu, thậm chí số lượng đóng cửa vẫn gia tăng.
“Cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững đến đâu còn là vấn đề. Người dân vẫn hoài nghi. Tăng trưởng tín dụng thấp, lạm phát thấp, kinh tế dựa vào vốn cho thấy cơ sở tăng trưởng chưa thực sự chắc chắn”, ông Thiên cho hay.
Đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp FDI trong sự phát triển kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài nhấn mạnh trong 4 động lực tăng trưởng hiện nay thì FDI đang là khối tốt nhất. Các động lực còn lại lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân vẫn chưa thể phát huy tốt vai trò của mình. Do vậy, theo ông Mại, vấn đề không phải là giảm thiểu khối doanh nghiệp FDI ngược lại cần đẩy nhanh động lực tăng trưởng này.
Ông Thiên cho rằng điểm mấu chốt để Việt Nam chuẩn bị cho những nấc tăng trưởng mới trong dài hạn vẫn là thể chế. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang cấu trúc hiện đại hóa cao hơn, hay cần tôn trọng thị trường để phân bổ nguồn lực, tích cực cải cách hành chính… là những cách giúp Việt Nam duy trì đà đi lên bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - Nguyễn Mại cho biết từ đầu thập niên 90 đến nay, Việt Nam đã đón 2 làn sóng FDI. Từ chỗ chỉ thu hút 1 tỷ USD vào năm 1991 đến mức vốn thực hiện đạt 3,2 tỷ USD trong năm 1997. Làn sóng thứ hai được ghi nhận vào những năm từ 2000 với đỉnh cao 7,2 tỷ USD vốn đăng ký vào năm 2008.
“Xu hướng mới lần thứ 3 này là những doanh nghiệp hàng đầu thế giới đang chuyển dịch từ Trung Quốc vào các nước lân cận, trong đó có Việt Nam”, ông Mại cho hay.
Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định FDI thực hiện năm nay đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 8-10% so với 2013. “Chất lượng dòng vốn sẽ cao hơn nhiều. Vấn đề lúc này là làm thế nào để tiếp tục thu hút được doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ cao”, ông Mại nói.
|
Thành Tâm