Cập nhật lúc:
11/6/2012 2:31:36 PM
1. Chuẩn bị đất trồng
- Xử lý thực bì: Phát dọn sạch thực bì để hạn chế sâu bệnh hại và thuận lợi cho đào hố.
- Đào hố rộng 40x40x40cm hoặc 50x50x40cm (nếu bón phân chuồng hoại mục và các loại phân hữu cơ khác). Hố được đào trước khi trồng 3-5 ngày.
- Bón phân: Tiến hành bón lót phân theo công thức:
CT1: 2 kg phân lân vi sinh Hoa Nam + 200g phân phức hợp đa lượng Hoa Nam + trấu hun, mùn cưa,…
CT2 : phân chuồng 6 kg + 200g phân phức hợp đa lượng Hoa Nam + trấu hun
Trộn đều phân, đất, trấu hun trước khi bón. Sau khi bón phân xong phủ một lớp đất mịn dày 1-2cm
Chú ý : Xây dựng hệ thống kênh mương thoát nước cho vườn chùm ngây nếu trồng ở bãi đất thấp, mực nước ngầm cao, thoát nước kém.
2. Kĩ thuật trồng
2.1. Mật độ và khoảng cách
Tùy theo mục đích trồng để thu hoạch sản phẩm , để đưa ra mật độ trồng thích hợp.
2.1.1. Trồng để lấy rau ăn lá :
- Trồng duy nhất cây chùm ngây (độc canh)
+ Khoảng cách 1,5 x 0,8 m
+ Mật độ: 8300 cây/ ha
- Trồng xen
+ Khoảng cách : 2m x 2m
+ Mật độ: 2500 cây /1 ha
2.1.2. Trồng để thu hoạch hoa và quả :
+ Khoảng cách: 2,5 x 2 m
+ Mật độ : 2000 cây /ha
2.2. Kỹ thuật trồng.
- Cần ngưng tưới nước 4 - 5 ngày trước khi đem trồng, để tăng khả năng chống chịu hạn của bộ rễ cây.
- Trước khi trồng, tưới nước ướt bầu chùm ngây, để khi lấy cây ra khỏi bầu, không bị đứt rễ và vỡ bầu.
- Trồng hàng theo hướng Đông - Tây, vì như vậy cây sẽ nhận được nhiều ánh sáng mặt trời nhất để quang hợp.
3. Chăm sóc, bảo vệ:
Giai đoạn đầu, cấm không cho gia súc, gia cầm vô khu vực trồng cây vì cây đang non, mềm dễ bị gãy và dẫm đạp hư cây. Mùa khô, dọn sạch thực bì hạn chế bị cháy lan. Hằng năm có kế hoạch làm cỏ, xới vun gốc và bón phân cho cây.
3.1. Nước tưới
- Đặc tính của cây chịu hạn rất tốt, nhưng cung cấp đầy đủ nước cho cây sẽ tăng năng suất và sản lượng, nên tưới nước 2- 3 ngày tưới 1 lần, tưới vừa đủ, tránh ngập úng cho cây
3.2. Bón phân
- Cây sinh trưởng rất khỏe, có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên đất nghèo dinh dưỡng, nhưng để cho năng suất cao, tuổi thọ của cây kéo dài, nên bón phân sau 3-4 lần thu hoạch rau.
- Định kỳ 3 tháng bón phân 1 lần kết hợp với xới xáo cỏ dại quanh gốc cây. Lượng phân bón cho mỗi lần chăm sóc:
+ 1 kg phân lân hữu cơ vi sinh + 200g phân hữu cơ khoáng Hoa Nam + cành lá chùm ngây.
+ Đào rãnh xung quanh hình chiếu của tán lá, sâu 10-15cm, rộng 7-10cm, bỏ phân và lấp đất => tưới nước.
3.3. Tạo tán
- Nếu trồng để lấy rau ăn lá thì sau khi cây cao 65cm phát triển tốt, nên bấm ngọn (dùng ngón tay hoặc dao, kéo), để chiều cao thân chính là 60cm, cành cấp 1 để 2-3 cành, dài 20-25 cm, cành cấp 2 là 7-8 cành, dài 20-30cm, khống chế bộ khung của cây cao 100 - 110cm là thích hợp để chăm sóc, thu hoạch và giảm thiệt hại do gió bão,..
- Có thể để cây mọc khỏe, cao trên 1,5m, sau đó mới cắt ngang cây để tạo tán.
3.4. Sâu bệnh hại
- Nhìn chung cây chùm ngây rất ít sâu bệnh. Trong thời kỳ cây con và cây chồi giâm hom cần phòng trừ ốc sên, các loài bọ cánh cứng hại lá, chồi như: Mylloceus discolor, M.viridanus, Ptochus ovulum, thực vật ký sinh Dendrophthoe flacata và các nấm hại như: Cercospora moringicola, Sphaceloma morindae, Puccinia moringae, Oidium sp., Polyporus dilvus…Cần thường xuyên theo dõi phun thuốc sát trùng, phòng trừ sậu bệnh hại cây con trong vườn ươm, các loại thuốc nên dùng: BIOKING, CHẾ PHẨM T5, VISIT 5 EC.
- Khi cây trồng ra vườn sản xuất, bộ rễ cây bị sâu hại: sâu mình trắng, đầu đỏ, dài 1,5cm-2cm đường kính 0,5cm nên sử dụng phương pháp thủ công như đào bới để bắt sâu.
THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN
1. Thu hoạch và bảo quản lá tươi
Sau khi trồng 6 tháng, cây cao khoảng 2m, đây là thời kỳ thu hoạch chính, trung bình cây có thể cho từ 400-900g lá tươi/cây/tháng.
Dùng dao hoặc kéo cắt hết những cành non, chỉ chừa lại khoảng 10cm. Sau khi thu hoạch lá tiến hành bón phân và cắt tỉa.
Lá sau khi thu hoạch cần được bảo quản ở nhiệt độ <18oC do hàm lượng dinh dưỡng trong lá cây chùm ngây cao nên dễ bị phân hủy, protein hóa rất nhanh. Khi cần vận chuyển đến tay người tiêu dùng và đến cơ sở chế biến sản phẩm cần phải có thiết bị bảo quản hoặc xe lạnh.
2. Thu hoạch, chế biến và bảo quản hạt giống
2.1. Thu hoạch quả:
Cây trồng trên 18 tháng bắt đầu ra hoa kết quả, độ tháng 02 hằng năm thì thu hái trái để làm giống. Nên lấy giống từ cây mẹ trên 06 tuổi trở lên. Cần lưu ý trong thu hái, chọn trái đã già, to, tròn đều, màu vỏ chuyển từ màu xanh sang màu thẫm mốc, không lấy những trái đã nứt, hoặc có sâu đục hoặc bị bệnh nấm, không bẻ cả cành mà nên có dụng cụ thu hái để chọn những trái đạt yêu cầu và giữ lại những trái chưa đạt để thu tiếp.
2.2. Chế biến hạt giống
Sau khi thu hái về phải rải đều ra trên tấm bạt, phơi ngoài nắng nhẹ, khi thấy trái đã có hiện tượng nứt thì đưa phơi trong bóng mát. Không phơi trực tiếp ngoài nắng vì hạt có dầu nên sẽ giảm tỷ lệ nẩy mầm, sau khi hạt đã bung ra hết khỏi trái thì sàng loại bỏ các tạp chất và thu hạt để đưa vô dụng cụ bảo quản.
2.3. Bảo quản hạt giống
Là loại hạt có dầu nên công tác bảo quản đòi hỏi phải thực hiện tốt thì chất lượng giống mới đảm bảo. Sau khi loại bỏ các tạp chất và các hạt chất lượng xấu như hạt lép, hạt nhỏ, hạt bị sâu đục…Xong cho vào túi PE hàn kín để bảo quản lạnh ở nhiệt độ trung bình 100C. Chỉ sử dụng trong năm thì tỷ lệ nẩy mầm cao trên 75% nếu để sang năm sau tỷ lệ nẩy mầm chỉ còn 20-30%.
|