Nếu đang ở ngoài trời khi có giông sét, mọi người cần đứng xa các vật cao, ra khỏi những nơi chứa nước và không đứng thành nhóm gần nhau.
Ngày 28/5, trận mưa lớn kèm giông sét khiến một nông dân tử vong, 6 người khác ở Thừa Thiên - Huế bị thương. Sự việc xảy ra lúc họ đang làm đồng. Trước đó sáng 22/4, một công nhân làm việc tại khu công nghiệp Nội Bài bất ngờ bị sét đánh tử vong khi đang trên đường đi làm về. Cách đó vài ngày, một người ở huyện Đô Lương (Nghệ An) bị sét đánh trúng, tử vong.
Hàng năm miền Bắc và Trung Bộ có hai giai đoạn chuyển mùa từ lạnh sang nóng (tháng 4-5) và từ nóng sang lạnh (tháng 8-9), là thời kỳ sét xuất hiện nhiều nhất. Trong đó, các chuyên gia cảnh báo, sét đánh thẳng nguy hiểm nhất, cứ 10 người bị sét đánh thẳng thì 8 người chết. Khi sét đánh xuống cây thì một tia sét có thể giết vài người xung quanh.
|
Xe máy và chiếc bạt trú mưa của nhóm 6 người ở phường An Hòa (TP Huế) bị hư hỏng do sét đánh. Ảnh: Đắc Đức.
|
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết, giông sét là hiện tượng phóng điện giữa đám mây giông tích điện xuống mặt đất, còn phóng điện giữa các đám mây với nhau hoặc phóng điện vào trong không khí chỉ gây ra sấm, chớp bình thường. Sét là hiện tượng ngẫu nhiên nên không có vị trí an toàn tuyệt đối, nhưng việc chủ động phòng tránh có thể làm giảm thương vong.
"Khi trời sắp giông mọi người tốt nhất nên về nhà, chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà hay công sở có lắp thiết bị chống sét", tiến sĩ Xuân Anh nói.
Tránh sét trong nhà
Tiến sĩ Anh cho biết, khi con người đang ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Người dân cũng nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông.
Đặc biệt, người dân nên tránh xa các đường dây điện thoại, dây điện và vật dùng điện ít nhất một mét. Vô tuyến nối với dây ăng ten để ngoài trời rất cần rút ra khi trời có giông.
Tránh sét ngoài trời
Nếu người dân không kịp tìm nơi trú ẩn an toàn khi có giông sét thì tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt. Mọi người nên tìm chỗ khô ráo, đứng ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, nhón chân và không nằm xuống đất, làm sao để phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất.
Ở những nơi chứa nước như biển, ao, hồ, mương, mọi người không nên đến gần. Nếu ở trong rừng thì nên tìm cây thấp và chỗ thưa để tránh.
"Trong bản hướng dẫn về phòng tránh sét đã nêu rõ khi đang ở ngoài trời thì không đứng thành nhóm, vì sét đánh xuống dễ gây tai nạn thảm khốc. Nếu ai đó cảm thấy tóc bị dựng lên thì có nghĩa người đó có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lúc đó lập tức ngồi xuống, lấy tay che tai, tuyệt đối không nằm xuống hay đặt tay lên đất", tiến sĩ Anh nhấn mạnh.
Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hoả, ôtô..., nếu không thò người ra ngoài, không chạm đến vỏ bọc thì ở những chỗ này an toàn. Ngược lại đối với các ôtô, tàu thủy để hở hay không có vỏ bọc kim loại thì lại nguy hiểm.
Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á, là một trong ba tâm giông trên thế giới có hoạt động giông sét mạnh. Số ngày giông trung bình ở Việt Nam khoảng 100 ngày/năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ/năm. Trong một năm, Việt Nam có thể có tới 2 triệu cú sét đánh xuống đất. Một số địa phương giông sét xuất hiện nhiều như xã Cổ Dũng (Hải Dương), huyện Đông Anh (Hà Nội), Thăng Bình (Quảng Nam), đồng bằng sông Cửu Long...
Phạm Hương