Vậy là cùng một nhãn mác, ở các cửa hàng khác nhau, giá sản phẩm cũng khác nhau một trời, một vực...
Thời gian trở lại đây, nhu cầu mua, sử dụng xe đạp điện của người dân (chủ yếu người già, học sinh) gia tăng một cách đáng kể. Sẽ không có gì đáng bàn nếu đi kèm với thị trường kinh doanh xe đạp điện này không xuất hiện tình trạng bát nháo…
Chiều 30/7, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) phối hợp với lực lượng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CATP Hà Nội) bất ngờ kiểm tra kho hàng của một công ty TNHH trên đường Kim Giang (quận Thanh Xuân- Hà Nội).
Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện 15 xe đạp điện mang nhãn hiệu Fukon không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Ngay sau đó, tổ công tác đã lập biên bản xử lý, tạm giữ toàn bộ số phương tiện trên. Điều đáng nói, đây là số xe đạp điện đang chờ để tung ra thị trường. Trước thông tin trên, câu hỏi được đặt ra, liệu số xe đạp điện đang được bày bán tràn lan trên thị trường như hiện nay có chất lượng ra sao?
PV Báo CAND đã khảo sát quanh các tuyến phố như: Phố Huế, Tôn Đức Thắng, Bà Triệu, Thái Phiên… Khách hàng nườm nượp ra vào các cửa hàng, hỏi mua cho mình xe đạp điện… Tại các điểm kinh doanh này, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đều được chủ các cửa hàng quảng cáo là “nhập khẩu” nguyên chiếc từ nước ngoài, đạt chuẩn quốc tế.
Sáng 31/7, chủ cửa hàng kinh doanh xe đạp điện A.S.M trên phố Bà Triệu khi thấy tôi có nhu cầu sắm xe đạp điện cho biết, cửa hàng của anh đang bày bán các loại xe đạp điện có nguồn gốc từ Nhật, Thái Lan…
Cũng theo anh chủ, số xe này có giá dao động từ 8,5 triệu đồng đến 14,5 triệu đồng. Cũng sản phẩm xe đạp điện mang nhãn hiệu Yamaha có giá 11,5 triệu ở cửa hàng A.S.M trên phố Bà Triệu chỉ còn 8,3 triệu đồng, khi tôi hỏi mua tại cửa hàng xe đạp điện nằm ở phố Thái Phiên, đoạn giao cắt với phố Huế. Vậy là cùng một nhãn mác, ở các cửa hàng khác nhau, giá sản phẩm cũng khác nhau một trời, một vực.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Trọng Bình- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết, các sản phẩm xe đạp điện không rõ nguồn gốc xuất xứ luôn tiềm ẩn những nguy cơ đi kèm cho người sử dụng.
Theo ông Bình cho biết, liên quan đến thị trường xe đạp điện, ngày 13/7, đơn vị qua phối hợp với lực lượng Cảnh sát kinh tế (CATP Hà Nội) cũng đã phát hiện, tạm giữ 5 xe đạp điện (mỗi xe trị giá gần 6 triệu đồng) không rõ nguồn gốc xuất xứ tại kho hàng nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên (Hà Nội). Như vậy, nếu không cẩn trọng, người tiêu dùng rất dễ mua phải đồ dỏm, đồ nhái.
Theo Hà Huy
CAND