“Gia đình tôi 3 đời nay mưu sinh bằng nghề giá, chưa bao giờ gặp tình trạng này. Chỉ vì tin đồn mà nông dân chúng tôi điêu đứng”- anh Thuận nói.
Trước đây, gia đình anh Thuận sản xuất 140 hũ giá. Kể từ khi có tin đồn giá nhiễm độc và giảm mạnh lượng tiêu thụ, cơ sở chỉ còn làm 50 hũ. Anh Thuận cho biết, mặc dù cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, nhưng có lẽ chỉ để mình biết chứ người tiêu dùng đâu có biết.
Ông Võ Phán (tổ 12, phường Hòa Phát) - một hộ làm giá lớn, cho biết, lượng giá của nhà ông làm ra đã giảm một nửa. Trước đây, cơ sở ủ từ 300 - 400kg giá/ngày, nay chỉ còn 200kg.
“Mình sản xuất giá sạch, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hẳn hoi. Giá nhiễm độc ở đâu đâu không biết, nhưng người tiêu dùng cứ “vơ đũa cả nắm” làm oan cho giá làng Nghi An” - ông Phán nói.
Làng giá Nghi An cung cấp ra thị trường thành phố hơn 8 tấn giá mỗi ngày. Hiện nay, lượng giá giảm đi một nửa, có hộ đã bỏ nghề vì không thể tiêu thụ sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Thuận cho hay, các công cụ sử dụng để sản xuất giá như lu, tấm lát đậy đều được tẩy trùng bằng vôi; đậu xanh trước khi đưa vào ủ cũng được xử lý bằng cách ngâm vôi; nước tưới đều được bơm trực tiếp từ giếng... Toàn bộ quy trình không sử dụng một chút hóa chất nào.
Bà Hoàng Thị Ánh - Chủ tịch Hội ND phường Hòa Phát, cho biết, làng giá Nghi An có từ lâu đời. Năm 2010, Hội ND tập hợp các hộ làm giá lại hình thành Chi hội nghề nghiệp Nghề giá. Chi hội đã từng phát triển rất mạnh, nhiều hộ có thu nhập cao, ổn định đời sống. Tuy nhiên, khi tin đồn giá nhiễm độc thì chi hội sa sút hẳn.
“Ngay sau khi có tin đồn về giá bẩn, chúng tôi đã đề xuất Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố xuống kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hàng cho người làm giá để họ an tâm với nghề, mặt khác luôn động viên các hội cố gắng bám nghề để không ai bỏ nghề”.
Theo Kim Oanh - Thu Hà
Dân Việt