Gần một nửa trong tổng số 1.239 dự án đã được quy hoạch sẽ phải dừng lại do hiệu quả thấp và tác động tiêu cực tới môi trường, theo đề xuất của Chính phủ.
Thông tin này được công bố tại cuộc họp ngày 26/10 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, thẩm tra báo cáo Chính phủ về rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện.
Chính phủ đã đồng ý loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện bậc thang và 418 dự án thủy điện nhỏ do hiệu quả thấp và có nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội; không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.
Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện; trong đó đang vận hành 268 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án trên tổng số 1.239 dự án đã được quy hoạch.
Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ rất hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư; số lượng dự án thủy điện nhỏ khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện.
Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, kinh tế-xã hội và hiệu quả đầu tư, quy hoạch thủy điện nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Số lượng các dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch là rất lớn (gần 90%) nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này không nhiều (khoảng 26%) và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án này bị loại bỏ khỏi quy hoạch (418 dự án, tổng công suất lắp máy 1.174 MW). Các dự án, vị trí thủy điện tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì 2 lý do chính: hiệu quả đầu tư thấp, không có nhà đầu tư quan tâm; có tác động xấu đến môi trường và kinh tế-xã hội.
Theo Vietnam Plus