Loại hạt cây được mệnh danh là "tỷ đô" phát triển mạnh tại Việt Nam từ 2012, nhưng đến thời điểm này mới bắt đầu được doanh nghiệp chú trọng đầu tư chế biến thành phẩm.
Sau một thời gian triển khai sản xuất, vào tháng 6/2014 Công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ tiên tiến (IDT) mới chính thức giới thiệu ra thị trường 4 sản phẩm nhân mắc ca cao cấp. Tuy nhiên, IDT cũng chỉ là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên dám đầu tư công nghệ để phát triển sản phẩm chế biến từ mắc ca - vốn là nguyên liệu có giá thành đắt trên thế giới ở thời điểm này.
|
Do giá nhập khẩu khá đắt nên số ít doanh nghiệp trong nước đang tìm cách mở rộng diện tích trồng mắc ca để chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ. Ảnh: PV.
|
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT IDT cho biết đến, do hạt mắc ca thu hoạch trong nước không đáng kể nên các sản phẩm của IDT đều được chế biến chủ yếu từ hạt mắc ca nhập khẩu của Australia. Song, ông Hải cho biết nguồn cung hạt mắc ca trên thế giới cũng đang rất hạn hẹp. "Để ký được một hợp đồng nhập hạt về cũng không hề dễ dàng. Ưu thế đang thuộc về người có trong tay mắc ca để bán", lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay.
Do vậy ngoài việc phát triển các sản phẩm chế biến từ nhân mắc ca, hiện nay IDT cũng đang triển khai dự án trồng gần 4.000 ha giống cây này tại Điện Biên. Ông Hải kỳ vọng đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào cho thị trường trong nước và xuất khẩu trong vài năm tới thay vì phải nhập nguyên liệu mắc ca từ nước ngoài.
Mặc dù được trồng tại Việt Nam từ hơn 10 năm, nhưng các hoạt động gia tăng liên quan cây trồng này mới thực sự sôi động từ 2012. Cho dù thị trường trong nước cung chưa đủ cầu, nhưng một số ít doanh nghiệp đã đầu tư có quy trình từ vùng nguyên liệu cho đến chế biến, phân phối sản phẩm thông qua hệ thống đại lý, siêu thị.
Về phát triển nguồn giống cây hiện có, Công ty CP Vinamacca - đơn vị tiên phong trong việc phát triển cây giống và canh tác tại Tây Nguyên, kế đó là Trung tâm giáo dục tỉnh Sơn La, Công ty giống cây trồng Ba Vì, Công ty cổ phần mắc ca Điện Biên... Ở khâu chế biến, ngoài IDT thì các sản phẩm nhân mắc ca của Công ty Chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafood) đã xuất khẩu đi nhiều nước với giá 15-18 USD một kg. Tuy không liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nhưng Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng rất quan tâm đến cây "tỷ đô". Với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, ngân hàng này đang rất tích cực dành nhiều ưu đãi cho nông dân.
"Tôi rất mừng khi nhận được các gói sản phẩm làm từ hạt mắc ca đang bán trên thị trường. Điều đáng nói là hạt mắc ca với nhiều hương vị khác nhau tạo ra một sắc thái rất riêng", Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng chia sẻ.
Theo vị chuyên gia nông nghiệp này, ông mừng cho doanh nghiệp trong nước đã thành công khi chế biến mắc ca thành các sản phẩm hảo hạng, nhưng phần vui nhiều hơn ở chỗ lo lắng của bà con nông dân lâu nay đã được giải tỏa khi đầu ra của hạt mắc ca đã được khơi thông.
"Doanh nghiệp khẳng định với tôi, nông dân thu hoạch được bao nhiêu hạt mắc ca họ sẽ thu mua hết. Đường ra đã có, bà con không còn lo sợ ế nữa", ông phấn khởi cho biết.
Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng mắc ca là một sản phẩm cao cấp, do đó khâu chế biến và phát triển thị trường cần được đầu tư cẩn thận và bài bản. Theo Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ, Việt Nam bắt đầu có một số thương hiệu về mắc ca có khả năng cạnh tranh với những sản phẩm tại các nước có lịch sử trồng mắc ca trước đó cả trăm năm. Tuy nhiên, cần có cơ chế mới liên kết chặt chẽ giữa người trồng với các nhà khoa học và doanh nghiệp.
"Nếu không có một chiến lược phát triển toàn diện về cây trồng này thì Việt Nam vẫn chỉ là nước cung cấp nguyên liệu thô như bài học nhãn tiền cà phê và hồ tiêu hiện nay", vị này lo ngại.
Đồng tình quan điểm, lãnh đạo IDT cũng cho rằng khi các doanh nghiệp nhận thấy được nhiều tiềm năng kinh tế của mắc ca, chắc chắn sẽ không ngần ngại đầu tư. Song, vấn đề giá cả thị trường rất cần được Nhà nước điều tiết, cùng đó phải có một môi trường kinh doanh lành mạnh để các đơn vị có thể hỗ trợ nhau.
Dưới góc độ của chuyên gia nông nghiệp, theo ông Hùng tuy là loại cây dễ trồng nhưng để phát triển được nguồn nguyên liệu hạt tươi đảm bảo chất lượng, người dân và doanh nghiệp cần chú trọng nhất vào khâu kỹ thuật.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, do giá sản phẩm mắc ca tương đối cao nên hiện nay các sản phẩm chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng có thu nhập. Trên thị trường, giá loại quả mắc ca khô, còn vỏ cứng, chưa nứt hiện ở mức 300.000 đến 350.000 đồng một kg; loại còn vỏ nhưng đã nứt giá 400.000 đồng. Riêng nhân đã được tách vỏ giá dao động 900.000 - 1.000.000 đồng mỗi kg. Do vậy, việc tự trồng được loại cây quý này sẽ giúp hạ giá thành, đồng thời nâng tầm giá trị thương hiệu của các hạt mắc ca Việt Nam trên thế giới.
Viện Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây cho biết, diện tích trồng mắc ca của cả nước mới khoảng 2.000 ha và trên 10 giống mắc ca phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng một số khu vực. Theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 200.000 ha trồng mắc ca tại Tây Nguyên và 30.000 ha tại Tây Bắc. Dự kiến đến năm 2025 tổng sản lượng hạt mắc ca của Việt Nam đạt 200.000 tấn hạt, tạo ra giá trị hàng tỷ USD mỗi năm. |
Thành Tâm