Ký được hợp đồng xuất khẩu 30.000 tấn thép/tháng sang các nước như Kuwait, Saudi Arabia... nhưng ông Đỗ Duy Thái - tổng giám đốc Công ty CP Thép Việt (Pomina) - vẫn không vui khi cho rằng dù chẳng có lời khi đưa hàng đi xa, doanh nghiệp này vẫn phải chấp nhận để tiêu thụ được hàng.
Với công suất lên đến 1,5 triệu tấn/năm, nhưng hiện nay khả năng tiêu thụ của Pomina mỗi tháng cao nhất chỉ được 80.000 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm gần 50%. “Thị trường nội địa quá khó khăn, nếu không chấp nhận xuất hàng sang các nước xa xôi thì làm sao duy trì được hoạt động sản xuất, tiền đâu chi trả cho người lao động” - ông Thái nói.
Tương tự, không còn xem là giải pháp tình thế như cách đây vài năm, hoạt động xuất khẩu đã trở thành chiến lược chính của không ít doanh nghiệp ngành ximăng. Trong tháng 2-2014, lượng ximăng xuất khẩu của Tổng công ty Công nghiệp ximăng (Vicem) đạt hơn 62.000 tấn ximăng thành phẩm và 300.000 tấn clinker, tăng hơn... 400% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp ximăng thừa nhận đã phải bươn chải chào hàng ở những thị trường xa hơn, thời gian chuyên chở lâu hơn vì Thái Lan và Trung Quốc đã chiếm lĩnh những thị trường gần.
“Lượng ximăng xuất khẩu sang các nước Campuchia, Myanmar, Lào cộng lại còn tốt hơn bán ở thị trường nội địa! Nếu không xuất khẩu có lẽ chúng tôi phải đóng cửa nhà máy, cho công nhân nghỉ” - ông H., phụ trách kinh doanh của công ty ximăng C., nói.
Dù không phủ nhận nỗ lực bươn chải, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ bên ngoài để giải tỏa nguồn hàng đang bị ứ đọng, nhưng nhiều ý kiến không ủng hộ việc các doanh nghiệp ngành công nghiệp nặng lấy xuất khẩu làm chiến lược phát triển mục tiêu.
Theo ông Đinh Quang Huy - chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN, khi quy hoạch mục tiêu phát triển ngành ximăng, các nước đều dựa trên nhu cầu thị trường nội địa là chính yếu. Do đó, quy hoạch của họ thường rất sát với dung lượng thị trường và không ai đặt mục tiêu xuất khẩu làm trọng cả.
“Cá nhân tôi cho rằng xuất khẩu sản phẩm của các ngành hàng công nghiệp nặng chỉ nên xem là giải pháp tình thế, vì đó không phải là những món hàng có thể mang về lợi nhuận như kỳ vọng cho doanh nghiệp” - ông Huy nói.
Theo các chuyên gia, nếu quy hoạch phát triển ngành ximăng lẫn thép được xây dựng chặt chẽ, với sự quản lý cứng rắn từ các bộ ngành liên quan, VN sẽ không đối diện với tình trạng đang mất một lượng lớn tài nguyên khoáng sản bị khai phá để làm nguyên liệu cho ximăng, VN cũng không bị ô nhiễm đe dọa từng ngày khi một lượng cực lớn khí thải vẫn đổ ra ngoài không khí từ các lò luyện thép như hiện nay.
Không chờ đến lúc sức mua suy yếu, cái “chết” của ngành thép và ximăng đã được dự báo trước khi có đến hàng triệu tấn thép, hàng chục triệu tấn ximăng dư thừa mỗi năm không biết phải mang đi đâu tiêu thụ cho hết.
Theo Quỳnh Khôi