Đặc biệt, ngày 10/3 đến nay, hầu như ngày nào lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng bắt được hàng nhập lậu từ Móng Cái về là mèo sống, có ngày vài vụ liền. Ít cũng trên 1 tấn, nhiều tới gần 4 tấn, tương ứng với trên 2.000 con. Đơn cử: hồi 1h10 ngày 10/3, trên QL18A, đoạn qua phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông trung tâm và dẫn đoàn (Phòng CSGT đường bộ - đường Sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh khi kiểm tra xe tải BKS 16H-3902 do Trần Văn Kỳ (37 tuổi, trú tại Hải Phòng) điều khiển hướng Móng Cái - Hạ Long, đã phát hiện trên xe vận chuyển trái phép 1.200kg mèo có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Hai giờ sau, cũng trên QL18A, đoạn qua Cửa Ông, lực lượng chức năng phát hiện xe tải BKS 34L - 9739 do Nguyễn Văn Ngọc (22 tuổi, trú tại Quảng Ninh) điều khiển, vận chuyển 2.400kg mèo nhập lậu từ Trung Quốc. Trước đó, ngày 6/3, cũng trên QL 18A, đoạn Hà Khẩu - Hạ Long, ôtô tải BKS 17C - 019.03 do Phạm Đình Chiến (SN 1970, trú tại Thái Bình) cũng bị bắt giữ khi đang chở trên 1 tấn mèo “ngoại”.
Đáng nói, trước sự kiểm soát gắt gao của QLTT, Công an, Hải quan..., việc vận chuyển mèo lậu đã biến tướng dưới nhiều hình thức như thuê bè mảng, tàu thuyền đánh cá trung chuyển ra tàu lớn vận chuyển về nội địa bằng đường thủy, tránh các chốt trạm kiểm soát đường bộ vận chuyển bằng đường thủy. Thậm chí, các đối tượng buôn lậu đã dùng thủ đoạn mới là giết mổ mèo từ phía bên kia biên giới, chế biến thành thực phẩm đông lạnh từng kiện từ 50 - 60kg rồi lén lút nhập lại vào Việt Nam tiêu thụ.
Hiện tượng nêu trên đáng để dư luận đặt câu hỏi: Tại sao mèo Trung Quốc lại ào ạt tuồn sang? Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục Hải quan Móng Cái, không còn nghi ngờ gì nữa, mèo Trung Quốc tràn sang theo con đường bất hợp pháp vì từ trước tới nay chưa hề có doanh nghiệp hay cá nhân nào mở tờ khai nhập khẩu mèo tại khu vực Hải quan Móng Cái, cũng không có chuyện mèo hoặc gia cầm thẩm lậu qua các cửa khẩu tiểu ngạch.
Phó Chi cục Hải quan Móng Cái Nguyễn Văn Bắc cho rằng, đây chỉ là nguồn tin từ cơ quan truyền thông Trung Quốc (Báo China Post) chưa được xác thực. Trong hệ thống nguồn tin cảnh báo, dự báo của hải quan không hề có những thông tin tương tự như vậy. Tuy nhiên, qua tìm hiểu bằng nghiệp vụ hải quan, mèo Trung Quốc là vật nuôi nhốt công nhiệp tập trung như gà. Mỗi trang trại tùy theo quy mô, số lượng có thể nuôi từ vài ngàn đến vài vạn con, chủ yếu để cung cấp nguồn thực phẩm chứ không phải để bán cho người dân nuôi để bắt chuột. Giá bán mèo loại này rất rẻ, thấp hơn ít nhất 5 lần so với giá "tiểu hổ" tại các quán nhậu khu vực các tỉnh phía Bắc nước ta. Tư thương thấy hàng gì chênh lệch, lãi lớn là buôn. Chưa nói, mèo không thuộc đối tượng hàng hóa thực phẩm nhập khẩu nên đối tượng nghĩ mọi cách nhập lậu.
Cơ quan kiểm dịch thú y Quảng Ninh thì cho rằng, do mèo nuôi dạng công nghiệp, tập trung nên rất dễ nhận biết. Tất cả chúng đều có dạng lông xù, đờ đẫn và tứ chi rất yếu, vận chuyển dài ngày dễ bị chết hoặc bị tổn thương các khớp tứ chi. Do đó, hầu như không có chuyện mèo Trung Quốc nhập lậu tuồn vào Việt Nam để biến thành mèo nhà, phối giống gây biến đổi chủng loài. Đáng lo nhất là việc kiểm soát vệ sinh thú y đối với loại mèo này. Bởi tới nay, chưa có dữ liệu để phân tích đánh giá do chúng được nhập lậu, vận chuyển lén lút. Riêng một số mẫu xét nghiệm từ mèo tang vật bị các lực lượng chức năng bắt giữ cũng đủ để nói rằng kháng thể của chúng rất yếu, rất dễ mang mầm dịch bệnh và lan truyền.
Như vậy, điều quan trọng là phải kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn mèo Trung Quốc tràn vào Việt Nam ngay từ khu vực có đường biên giới. Nếu đã lọt qua sẽ rất khó để kiểm tra, phát hiện. Ngoài ra, điểm cuối cùng của lũ mèo nhập lậu này là các quán ăn, nhà hàng đặc sản, chợ đầu mối thực phẩm tươi sống. Trách nhiệm xử lý không ngoài các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, thú y, kiểm dịch... Một khi đã không còn lý do để tiêu thụ thì chắc chắn sẽ không tư thương nào muốn nhập lậu.
Ngoài nỗ lực của Quảng Ninh, Bộ chức năng nên chỉ đạo các tỉnh, thành mở các đợt kiểm tra, rà soát xử lý mèo Trung Quốc nhập lậu.
Cùng với thời điểm xuất hiện mèo nhập lậu, giới kinh doanh thực phẩm đồn đại, loan truyền thông tin sắp tới Trung Quốc có lệnh cấm nuôi, kinh doanh và ăn thịt chó, mèo do hành vi này vi phạm Luật "Bảo vệ và chống lạm dụng động vật" của nước bạn. Người ăn thịt chó, mèo sẽ phải đóng phạt 5.000 nhân dân tệ (tương đương 730 USD) và bị bắt giam 15 ngày. Việc kinh doanh thịt mèo tại nhà hàng, quán ăn hay cũng như các cá nhân, tổ chức buôn bán, sản xuất thịt chó, mèo sẽ bị phạt từ 10.000 đến 50.000 nhân dân tệ. Đây chính là lý do khiến các trang trại nuôi mèo công nghiệp vốn rất phát đạt tìm cách bán tống tháo xả trại trước khi lệnh cấm có hiệu lực. |
Theo Lê Minh Triết