Mặc dù đang cao điểm thu hoạch mía, các nhà máy đường trong khu vực Nam Trung bộ đẩy nhanh tiến độ ép, thế nhưng trong bối cảnh "thắt tải trọng”, không chỉ có nông dân long đong mà các nhà máy đường cũng đang khốn khó vì ách tắc hoạt động.
Theo kế hoạch, đến cuối tháng 4 này, niên vụ ép 2013-2014 của Cty CP Đường Bình Định mới kết thúc. Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày qua Cty CP Đường Bình Định thưa thớt xe chở mía về nhà máy, thậm chí nhiều xe tải là bạn hàng chở mía giờ đang rỗng thùng, nằm ì trước nhà máy nhiều ngày liền không hoạt động.
Chúng tôi bắt chuyện một số tài xế xe tải chuyên vận chuyển mía, họ cho biết: “Trong thời điểm xe bị hạ tải, nếu chở đúng tải thì cánh nhà xe tụi tui lấy gì ăn vì tiền cước không đủ chi phí, còn nếu tăng giá cước thì nông dân la làng. Chở quá tải phải đi chui nhủi, hao tốn nhiên liệu và thời gian gấp 3 lần trước đây mới chở được về nhà máy 1 chuyến mía. Chúng tôi ngừng bánh để nghe ngóng, thuận lợi mới cho xe lăn bánh, chứ xe chạy mà không thu được đồng nào thì chạy làm gì cho khổ”.
Một tài xế khác nói thêm: “Trước đây chỉ mất 3-4 tiếng đồng hồ là chở xong 1 chuyến mía về nhà máy, bây giờ phải mất đến 7-8 tiếng, thậm chí cả ngày mới chở được 1 chuyến”. Đó là nói chuyện chở chui trót lọt, nếu xe bị “vịn” thì số tiền phạt quá tải nông dân phải gánh.
Anh Đức, người đang trồng 5 ha mía ở TX An Nhơn, tính toán: “Đầu tư cho 1 sào mía đến khi thu hoạch mất hết 3 triệu đồng, thêm tiền thuê đất mất 500-600 ngàn đồng nữa. Nếu giờ chở mía đi bán mà xe bị chặn, mất thêm tiền phạt quá tải thì người trồng mía lỗ… thâm thịt”.
“Cước chở mía hiện nay từ 50.000đ đến 130.000đ/tấn mía tươi tùy cự ly từ ruộng mía đến nhà máy gần hay xa; nếu chở đúng tải thì thu nhập của cánh nhà xe không đủ chi phí, nếu chở quá tải dù nông dân chịu tiền phạt nhưng nhà xe cũng gặp rắc rối nên giờ tụi tui cũng nhát chở lắm”, 1 tài xế xe tải chuyên chở mía cho biết.
|
Tình trạng cây mía bị ách tắc tại Phú Yên còn dữ dội hơn. Đang cao điểm vụ thu hoạch mía, vậy mà các nhà máy lại “đói” nguyên liệu, bởi cả nông dân và cánh xe tải đều rất sợ trạm cân. Mía từ các vùng nguyên liệu Tuy An, Sông Cầu về Sơn Hòa đều phải qua trạm cân An Mỹ. Tuyến vận chuyển mới này vừa làm người trồng mía gánh thêm giá cước vận tải, vừa thiếu phương tiện chở mía trong thời điểm thu hoạch rộ này. Do đó, đường đi của mía đang bị... tắc ngay tại ruộng.
Trong khi đó, theo những người trồng mía, khi những diện tích mía đã được phát lệnh chặt là phải chở hết chứ không thể bỏ lại ruộng chờ chuyến xe khác. Anh Đức, 1 người có hơn 10 năm trồng mía ở TX An Nhơn (Bình Định), nói: “Khi mía đã chặt mà không chở đi được thì chỉ vài ba ngày sau mía sẽ bị khô, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Đến khi chở được đến nhà máy mía sẽ bị giảm chữ đường, đồng nghĩa bị giảm giá. Trong bối cảnh người trồng mía đang gặp khó về giá xuống giờ gặp thêm cái khổ vận tải này nữa không biết phải sống thế nào”.
Cán bộ 1 nhà máy đường có tầm cỡ trong khu vực Nam Trung bộ lại tâm sự: “Đã vào vụ ép là nhà máy chạy liên tục chứ không thể dừng. Bởi khi nhà máy dừng vận hành sẽ bị thiệt hại lớn trên dây chuyền, đường mới ép ra sẽ bị hao hụt lớn do quá trình chuyển hóa. Không chỉ vậy, đến khi khởi động trở lại sẽ rất hao tốn nhiên liệu. Rồi tiêu tốn điện năng chiếu sáng, phải mất từ 10-20 triệu đồng/lần khởi động nhà máy. Ấy là chưa kể đến hàng trăm công nhân phải nghỉ việc chờ”.
Chưa hết, vận tải đường bộ bị siết như hiện nay, sản phẩm của các nhà máy như đường, mật rỉ, các phụ phẩm khác… cũng gặp khó khi vận chuyển đi tiêu thụ. Trong khi ngành đường đang lâm cảnh khó khăn, giá đường hạ thấp, các ngân hàng không còn rộng rãi mở hầu bao cho vay thì tình trạng này càng đẩy các nhà máy đường đến cực cùng khốn khó.
Còn nữa, cước vận tải đang đồng loạt tăng nên những nhà cung cấp hóa chất, bao bì, nhiên liệu… cho các nhà máy đường cũng đang rục rịch gửi thông báo tăng giá bán.
Theo Vũ Đình Thung