Ở khu chợ xe máy cũ nổi tiếng này, mỗi ngày có hàng chục chiếc được sang tên, đổi chủ bằng ... mồm một cách nhanh chóng. Sau khi cửa hàng thu mua lại, xe lại được bày bán và chờ khách đến mua về, cũng với hình thức tương tự.
"Cùng lắm là các bên làm một tờ giấy viết tay, xác nhận ông A mua của ông B cái xe, thế là yên tâm mai mốt đỡ kiện cáo", ông Đạt, nhân viên của một cửa hàng tại đây cho biết. Theo ông, thói quen mua bán như thế đã tồn tại nhiều năm nay ở cái chợ này.
Khác với ôtô (10-12% trên giá trị còn lại của xe), phí trước bạ khi sang tên xe máy ở mức khá thấp, chỉ 1%. Ví dụ với một chiếc xe trị giá 25 triệu đồng, người mua mất 250.000 đồng là có giấy tờ chính chủ mang tên mình. Để đổi biển mới, chủ xe mất thêm 50.000 đồng.
Theo lý giải của cả người mua lẫn người bán, thủ tục hành chính phức tạp là lý do khiến họ ngần ngại, chứ không phải vì phí trước bạ. Hiện nay để sang tên một chiếc xe máy, người mua và bán sẽ phải di chuyển qua 3 nơi, đầu tiên là phòng công chứng nơi xác nhận việc mua bán, sau đó người mua sẽ phải đến chi cục thuế để đóng thuế, rồi qua cơ quan công an làm thủ tục sang tên mình. Bên mua mất gần một tuần chờ đợi mới nhận được giấy tờ.
"Tổng cộng đến nay tôi đã bán 4 chiếc xe máy, nhưng chưa bao giờ phải mất thì giờ như thế vì mọi việc giao dịch diễn ra ở ngoài đường", anh Đức, một người dân ở phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết. Nhà ở gần chợ xe máy cũ Dịch Vọng nên mỗi lần muốn bán xe, anh chỉ cần phóng đến đầu chợ đã có ngay người săn đón. Sau một lúc mặc cả, hai bên tiến hành trao tiền, giao xe và giấy tờ, tất cả chỉ diễn ra trong vòng ít phút.
Còn Hồng, sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Quốc gia mới đây mua một chiếc xe Air Blade để dùng chung với em trai. Dù không phải là người quá bận rộn, nhưng Hồng cũng ngại đi làm sang tên. "Em mua xe còn nhanh hơn mua mớ rau", Hồng kể. Sau khi đọc được quảng cáo bán xe trên mạng, Hồng hẹn chủ xe ở một địa điểm, sau khi thấy xe còn tốt, giấy tờ đầy đủ, cô sinh viên đưa tiền và phóng xe về.
Việc không sang tên đổi chủ khi mua bán xe sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, trước mắt là có thể bị phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng theo Nghị định 71. Khi xảy ra tranh chấp, mất mát, bên mua cũng khó chứng minh được xe thuộc sở hữu của mình, kể cả khi có tờ giấy mua bán viết tay.
Quy định mua bán xe cũ phải sang tên đổi chủ không phải mới có, từ lâu đã buộc người mua xe phải thực hiện việc sang tên trong vòng một tháng. Nghị định 71, có hiệu lực từ 10/11, chỉ tăng hình thức xử phạt đối với lỗi này. Theo đó, người sử dụng xe máy chưa sang tên đổi chủ sẽ bị phạt 800.000 đến 1,2 triệu đồng, thay vì 100.000 đến 200.000 đồng như trước.
Do sợ bị phạt, nên sau khi Nghị định 71 đi vào thực thi từ hôm 10/11, nhiều người "trót" mua bán xe không sang tên từ trước đang bắt đầu tất bật tìm cách đi sang tên. Ông Đạt, nhân viên bán xe ở chợ xe máy cũ Dịch Vọng cho biết từ vài ngày nay, cũng có nhiều khách cũ đến đề nghị cửa hàng làm giấy tờ.
"Nhưng chúng tôi không thể làm hộ khách việc sang tên được. Cửa hàng khi bán xe là chỉ đảm bảo chất lượng xe, giấy tờ xe đầy đủ. Bây giờ khách phải tự đi tìm chủ cũ theo tên trên giấy đăng ký cũ rồi tự làm thôi", ông Đạt cho biết. Muốn nhờ cửa hàng làm hộ, họ phải mất khoản phí 2,5 đến 3 triệu đồng.
Theo Thanh Bình
Vnexpress