Theo các nhà kinh tế, giá cả tăng cao hơn sẽ giúp các công ty Mỹ có thêm lợi nhuận, tăng lương cho nhân viên và giúp người đi vay trả được nợ.
Lạm phát thường được coi là một loại thuế trong cuộc sống hiện đại. Nhiều nhà kinh tế trong và ngoài Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại cho rằng lạm phát Mỹ vẫn tăng chưa đủ nhanh. Theo họ, lạm phát tăng hơn nữa mới là điều Mỹ cần để thoát khỏi nửa thập kỷ tăng trưởng chậm chạp và thất nghiệp cao. Phiên họp chính sách sắp tới của FED sẽ diễn ra vào giữa tuần này, New York Times cho biết.
Từ nhiều thập kỷ nay, FED vẫn cố gắng khống chế lạm phát. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế, trong đó có cả bà Janet Yellen - ứng cử viên Chủ tịch FED của Tổng thống Obama, từ lâu đã cho rằng lạm phát thấp chỉ có tác dụng khi nền kinh tế yếu. Tăng giá sẽ giúp các công ty tăng lợi nhuận, tăng lương cho nhân viên và giúp người đi vay trả được nợ. Lạm phát cũng sẽ khuyến khích người dân, doanh nghiệp vay tiền và tiêu nhanh hơn.
Các hãng bán lẻ như Costco và Walmart đang kỳ vọng lạm phát cao có thể giúp họ tăng lợi nhuận. Chính quyền liên bang cũng trông đợi lạm phát sẽ làm nhẹ gánh nặng nợ nần. Tuy nhiên, lạm phát tháng 8 của Mỹ chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Lạm phát tháng 8 của Mỹ chỉ tăng 1,2%. Ảnh: Bloomberg
|
"Cân nhắc các rủi ro chính trị, xã hội và kinh tế do tăng trưởng chậm sau khủng hoảng tài chính, thì lạm phát tăng tốc cũng không phải điều đáng để lo lắng", Kenneth S. Rogoff - nhà kinh tế tại Đại học Harvard cho biết.
Kể từ sau khủng hoảng tài chính, FED vẫn cố giữ lạm phát khoảng 2% mỗi năm. Một số quan chức FED giải thích tốc độ tăng lạm phát chậm và mục tiêu giảm thất nghiệp là nguyên nhân họ duy trì chiến dịch kích thích. "Lạm phát thấp không hề tốt cho nền kinh tế, do nó làm tăng nguy cơ giảm phát, khiến nền kinh tế bị trì trệ", Chủ tịch FED - Ben Bernanke tuyên bố hồi tháng 7.
Dù vậy, nhiều nhà kinh tế, gồm cả Rogoff, vẫn cho rằng FED quá hiền lành. Theo ông, lạm phát nên được đẩy lên 6% mỗi năm trong vài năm tới. Lần cuối Mỹ lạm phát ở tốc độ này là đầu thập niên 80. Ông cũng so sánh sự thận trọng của FED với việc không vung gậy đủ mạnh để đánh quả bóng golf thoát khỏi bãi cát. "Anh cần phải đánh thật mạnh để kéo nó ra. Chứ một khi quả bóng vẫn còn trong bãi cát, cứ gõ vào nó cũng chẳng có nhiều tác dụng", Rogoff nói.
Những người phản đối lạm phát cao thì lại cảnh báo FED sẽ không thể kiểm soát được giá cả khi kinh tế đã phục hồi. Nếu lạm phát tăng tốc, lợi ích của nó sẽ nhanh chóng bị lấn át bởi các hệ lụy khi mọi người đổ xô tiêu tiền càng nhanh càng tốt. Những người chỉ sống dựa vào tài sản sinh lời cố định sẽ gặp khó khăn. Hoạt động đi vay và đầu tư sẽ chậm lại trong dài hạn, kéo tụt tăng trưởng kinh tế, kể cả khi lạm phát hạ nhiệt sau đó.
Tuy vậy, có rất nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát thấp đang làm tổn hại nền kinh tế Mỹ. Richard A. Galanti - Giám đốc Tài chính tại hãng bán lẻ Costco cho biết họ thường có thể tăng lợi nhuận và doanh thu nếu giá cả đi lên. Tháng trước, ông cũng đổ lỗi lạm phát thấp khiến Costco tăng trưởng doanh thu chậm nhất kể từ suy thoái. Lãnh đạo tại các hãng bán lẻ Walmart, Rent-A-Center và Spartan Stores cũng có chung nỗi lo trên.
Hồi tháng 6, Caterpillar - hãng sản xuất thiết bị công nghiệp lớn của Mỹ đã phải thuyết phục hàng trăm công nhân tại nhà máy ở Wisconsin chấp nhận ngừng tăng lương trong 6 năm. Dù vậy, lạm phát thấp đã khiến kế hoạch của Caterpillar không hiệu quả như mong đợi. Để tiết kiệm thêm chi phí, hãng đã lên kế hoạch sa thải gần một nửa số nhân viên chỉ trong vài tháng gần đây.
Nhiều hộ gia đình cũng có lý do để cần lạm phát. Giá tăng sẽ giúp họ được tăng lương, còn người vay sẽ có thêm tiền trả nợ. Trong vòng 5 năm trước 2008, lạm phát Mỹ là 10%. Còn 5 năm gần đây, giá cả chỉ tăng 8%.
Charles L. Evans, Chủ tịch FED tại Chicago cho biết: "Nếu lạm phát cứ dưới 2%, việc trả nợ sẽ khó khăn hơn với người dân. Vấn đề nợ nần lơ lửng còn tồi tệ hơn với cả nền kinh tế".
Lạm phát cũng sẽ giúp người dân tìm được việc làm, theo một nghiên cứu của nhà kinh tế học George Akerlof và hai đồng tác giả. Giá tăng sẽ giúp các công ty có nhiều lợi nhuận và làm tăng nhu cầu thuê thêm nhân viên.
Thùy Linh