Vụ hè thu 2013, Kiên Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất các tỉnh ĐBSCL lên đến gần 1,6 triệu tấn. Trong khi đó, chỉ tiêu được giao mua tạm trữ của địa phương này chỉ có 85.000 tấn gạo. Mặc dù các doanh nghiệp hết sức được Nhà nước ưu ái về nguồn vốn, lãi suất nhưng kết thúc đợt mua tạm trữ (31.7), Kiên Giang chỉ hoàn thành đạt 85% chỉ tiêu được giao, nhiều doanh nghiệp chỉ đạt từ 40 – 50%, dẫn đến làm giá lúa trong dân giậm chân tại chỗ, nhiều nông dân bán lúa với giá thấp chấp nhận thua lỗ.
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang đề xuất: “Theo tôi, chính sách tạm trữ cần phải phối hợp đồng bộ. Lúa, gạo đang là câu chuyện nóng, Chính phủ nên mua tạm trữ 20-30% sản lượng/vụ. Các doanh nghiệp VFA phải mua dự trữ 20-30% (các doanh nghiệp này đã hưởng chính sách từ đầu tư mấy triệu tấn kho), nông dân cũng phải dự trữ 10-20%/vụ. Số còn lại lưu thông mua bán là hợp lý, giảm bớt áp lực ùn ứ lúa hàng hóa. Để nông dân có thể tồn trữ 10-20% lúa làm ra của chính họ, cần có chính sách hỗ trợ”.
Theo ông Mai Anh Nhịn – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng: Việc liên kết giữa doanh nghiệp, ND và chính quyền để điều hành chỉ đạo sản xuất đáp ứng nhu cầu xuất khẩu là rất cần thiết, quan trọng là giải quyết chuyện được mùa mất giá, không bị động trong việc tiêu thụ lúa.
Lãnh đạo nhiều địa phương kiến nghị, Chính phủ nên định thời gian thu mua cho từng vùng khác nhau, thu mua trước thời vụ để khi tới thời vụ kịp thời triển khai thu mua giá lúa lúc đó sẽ không giảm. Cần phải xác định rõ sản lượng của từng vùng để có chính sách thu mua kịp thời.
“VFA tăng cường công tác theo dõi, phân tích thông tin diễn biến tình hình thị trường, phối hợp chặt chẽ với các thương nhân xuất khẩu gạo để nắm sát diễn biến từng thị trường, kịp thời có những giải pháp điều phối ứng phó linh hoạt… VFA định hướng để các doanh nghiệp không vội bán giá thấp để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu chung” – Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đưa ra giải pháp.
Theo Đức Khánh
Dân Việt