Kết quả cho thấy vị trí số 1 ở cấp trung ương thuộc về Bộ GTVT (đạt mức điểm 81,06%) và ở cấp địa phương là Đà Nẵng (87,02%).
Giới thiệu về PAR Index, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết đối tượng đánh giá ở trung ương là 19 bộ, cơ quan ngang bộ, ở địa phương là 63 UBND tỉnh, thành.
Chỉ số này được hình thành trên cơ sở điều tra xã hội học và các bộ, ngành, địa phương tự chấm điểm, có sự thẩm định cuối cùng của Bộ Nội vụ (với sự tư vấn của hội đồng thẩm định bao gồm đại diện của sáu bộ khác nhau) về cải cách hành chính ở bảy lĩnh vực, 31 tiêu chí đối với cấp bộ, tám lĩnh vực, 34 tiêu chí đối với cấp tỉnh.
“Ví dụ các lĩnh vực, tiêu chí như công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, việc cải cách thủ tục hành chính, việc cải cách tổ chức bộ máy, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức... Thang điểm PAR Index được thể hiện từ 0-100%. Theo đó, 100% là đạt kết quả cải cách hành chính tốt nhất, ngược lại có kết quả 0% là kém nhất” - ông Dĩnh nói.
Bộ GTVT không chủ quan
Bộ GTVT là đơn vị đứng đầu hoặc trong nhóm dẫn đầu nhiều lĩnh vực. Đơn cử về hiện đại hóa hành chính, Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Khoa học - công nghệ là những bộ đạt điểm số cao về mức độ sử dụng thư điện tử của cán bộ, công chức và về chất lượng cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của bộ.
Được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (chủ trì hội nghị) mời lên phát biểu với tư cách là đại diện bộ đứng đầu PAR Index 2013, ông Nguyễn Hồng Trường (thứ trưởng Bộ GTVT) cho rằng mặc dù lần này Bộ GTVT xếp thứ hạng cao, tuy nhiên không thể chủ quan và nếu không liên tục cải cách thì việc thay đổi thứ hạng rất dễ xảy ra.
“Chúng tôi có gần 100 dịch vụ công, năm nay cố gắng đưa lên mạng vài chục loại dịch vụ, trong đó có dịch vụ cấp giấy phép lái xe. Việc đưa thủ tục cấp giấy phép lái xe lên mạng nghĩa là các loại giấy tờ làm trực tuyến, chỉ có học và thi tiến hành trực tiếp, bằng lái được gửi cho người dân qua bưu điện. Làm được như vậy sẽ giảm thiểu thủ tục cho người dân rất lớn” - ông Trường nói.
PAR Index 2013 chứng kiến sự tụt hạng của Bộ Công thương từ vị trí thứ hai năm 2012 xuống vị trí thứ sáu ở lần xếp hạng này.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu: “Có lẽ Bộ Công thương chủ quan, bởi vì năm ngoái sau khi công bố thì rất nhiều bộ đã đến Bộ Công thương để học tập kinh nghiệm. Năm nay chắc chúng tôi phải cắp sách đi học Bộ GTVT”.
Nâng cao chất lượng công chức: chưa có biện pháp hữu hiệu
Trong lĩnh vực mà các bộ đều có điểm số thấp là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức (trung bình là 58,67%), Bộ GTVT vẫn được xác định là một trong những bộ đã triển khai có kết quả việc đổi mới công tác quản lý công chức.
Đặc biệt bộ này đã tích cực áp dụng thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo cấp vụ và tương đương.
Bộ Nội vụ cho biết chất lượng công chức ở Ủy ban Dân tộc qua điều tra xã hội học có kết quả là 76,25%, thấp nhất trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ tham gia PAR Index 2013 (Ủy ban Dân tộc cũng là đơn vị xếp cuối cùng trong chỉ số cải cách hành chính cấp bộ).
Có 27,3% số người được hỏi qua điều tra xã hội học cho rằng năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức của Ủy ban Dân tộc có chất lượng trung bình.
Đặc biệt, theo số liệu từ Bộ Nội vụ, có 8,56% số người trả lời cho rằng có tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân của công chức tại Ủy ban Dân tộc ở mức tương đối phổ biến, 49,55% cho rằng ở mức có một số hiện tượng này xảy ra.
Theo Bộ Nội vụ, việc chỉ số xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ở mức thấp, cho thấy đây là một nội dung cải cách hết sức khó khăn, chưa có những biện pháp hữu hiệu.
Trách nhiệm người đứng đầu
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường cho rằng cần thông qua PAR Index để xác định trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác cải cách hành chính.
Đơn cử ở Bộ Tài nguyên - môi trường năm 2012 bị xếp hạng thấp, trong năm 2013 lãnh đạo bộ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính.
Về thủ tục đất đai, nếu như trước đây có 71 loại thủ tục thì đến nay chỉ còn 41 thủ tục, thời gian cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực đất đai trước kia là 55 ngày, đến nay giảm xuống 30 ngày...
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chỉ số cải cách hành chính không chỉ là công cụ đánh giá, mà chính là quyết tâm chính trị và nhận thức của người đứng đầu các cấp, các ngành.
“Vấn đề này rất quan trọng. Ta đang có bốn cuộc cải cách lớn là cải cách tư pháp, cải cách giáo dục, cải cách tiền lương và cải cách hành chính. Cải cách bao giờ cũng phức tạp khó khăn, nếu không có quyết tâm chính trị của người đứng đầu thì rất khó khăn” - Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, xếp hạng môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta còn thấp, năm nay có tăng bậc nhưng so với quốc tế thì còn nhiều vấn đề.
Trong đó, ba lĩnh vực còn nhiều hạn chế là cải cách thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công và đội ngũ cán bộ, công chức.
“Tôi nói ví dụ như ngành công thương đã có nhiều tiến bộ, nhưng thủ tục liên quan đến lĩnh vực điện của ta hiện còn tới 180 ngày, một năm có 365 ngày mà thủ tục lĩnh vực điện tới 180 ngày thì bộ cần nhìn rõ để có trách nhiệm hơn nữa” - Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng giao Bộ Nội vụ cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, đánh giá những mặt được, hạn chế, yếu kém của việc xác định PAR Index 2013.
Đồng thời, nêu lên những đề xuất nhằm triển khai xác định PAR Index thực chất hơn, khách quan hơn trong những năm sau.
Theo V.VN.Thành - V.V.Tuấn