Bộ Tài chính đã gửi tới Bộ Y tế 30 sản phẩm chưa thể xác định là sữa hay sản phẩm khác để phân loại nhưng mới chỉ khoảng 12 mặt hàng được trả lời.
Tỷ lệ này theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn (Bộ Tài chính) là vẫn còn ít và khiến việc bình ổn giá cũng như tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng gặp không ít khó khăn.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi sâu hơn về vấn đề này với ông Nguyễn Anh Tuấn.
- Ngay sau khi quy định áp giá trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi chính thức có hiệu lực, Bộ Tài chính đã liên tiếp có đoàn thanh tra ở một số thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc kiểm tra đã phát hiện những vi phạm nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ngay sau khi triển khai quyết định về bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với địa phương để kiểm tra việc đăng ký, niêm yết giá bán những mặt hàng này.
Qua báo cáo mới nhất ngày 25/7, chúng tôi đã nắm được có 488 mặt hàng sữa thực hiện xác định giá tối đa bán buôn và bán lẻ theo đúng chủ trương. Giá bán những mặt hàng cũng đã giảm so với trước đây.
Qua kiểm tra, chúng tôi thấy rằng, Sở Tài chính các địa phương đã chủ động tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp cũng như phối hợp với những cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra.
Thực tế thì doanh nghiệp trong thời gian đầu vẫn còn lúng túng trong việc xác định giá bán buôn và giá bán lẻ ra thị trường. Ngoài ra, việc bán lẻ thường được thực hiện qua nhiều khâu trung gian nên nhiều cửa hàng vẫn chưa biết cách xác định giá cụ thể ra sao.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện chủ trương áp trần giá sữa nên khi phát hiện vi phạm cơ quan liên ngành có nhắc nhở để các doanh nghiệp, cửa hàng thực hiện ngay đăng ký bán lẻ tối đa.
- Qua thực tế kiểm tra, theo ông, khó khăn lớn nhất khi thực hiện việc áp trần giá sữa tới hiện tại là gì?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Như tôi đã nói, đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện việc áp giá trần với mặt hàng sữa trong phạm vi rộng và trong thời gian nhất định nên khối lượng công việc là rất lớn.
Tôi cho rằng, hiện vẫn tồn tại hai loại sản phẩm là mặt hàng sữa và những sản phẩm khác có tên gọi như bổ sung vi chất. Đây là điều cần phân định rõ để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, chỉ khi sản phẩm gọi là sữa thì cơ quan chức năng mới có thể thực hiện bình ổn giá.
- Vấn đề tên gọi này đã được ông nhắc tới trước đó và cho biết sẽ phối hợp với Bộ Y tế để "giải mã." Ông có thể cho biết, công việc này đã được tiến hành ra sao trong thời gian qua để sớm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi đã gửi tới Bộ Y tế những sản phẩm vẫn chưa thống nhất được tên gọi tuy nhiên những dòng sữa được cơ quan này cung cấp lại để thực hiện bình ổn giá vẫn ít.
Tới hiện tại, chúng tôi đã gửi tới Bộ Y tế 30 dòng sản phẩm để phân loại nhưng mới được trả lời khoảng 12 sản phẩm gọi là sữa. Số sản phẩm còn lại không được gọi là sữa nên rất khó để thực hiện bình ổn giá.
Bởi vậy, một trong những giải pháp quan trọng nhất thời gian tới là rà soát lại những mặt hàng này. Chúng tôi kiến nghị cần chuẩn hoá tên gọi để việc quản lý giá được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, tôi cho rằng, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế thì công tác bình ổn giá sẽ được thực hiện tốt.
- Có ý kiến lo ngại rằng, việc áp giá trần theo quy định sẽ được thực hiện trong một năm nhưng sau thời gian đó, giá sữa có thể sẽ lại tăng trở lại. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện tại, chúng ta vẫn thực hiện bình ổn giá theo quy định và khi hết thời gian một năm, chúng tôi sẽ có đánh giá tổng kết báo cáo Chính phủ.
Thời điểm đó, nếu thị trường diễn biến tốt thì có thể tính tới gỡ việc áp giá trần còn nếu thị trường vẫn xấu thì cơ quan chức năng sẽ kiến nghị Chính phủ gia hạn thêm thời gian bình ổn giá./.
Theo: www.cafef.vn