Hàng loạt công ty đã chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng từ dăm, bảy năm trước nhưng đến nay vẫn chưa chịu lên sàn vì nhiều lý do khác nhau.
Cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) lần thứ 2 nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 2,8 tỷ cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Trước đó, cổ phiếu này từng được hứa hẹn lên sàn hồi giữa năm 2012, sau khi IPO cuối năm 2011. Kế hoạch này sau đó bị trì hoãn với lý do thị trường chưa thuận lợi.
Là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, cổ phiếu BIDV từng được giới đầu tư kỳ vọng là làn gió mới hâm nóng thị trường chứng khoán. Không ít nhà đầu tư đã hụt hẫng vì BIDV lỗi hẹn chào sàn.
|
Với lý do thị trường chưa thuận lợi, nhiều doanh nghiệp IPO nhiều năm về trước vẫn chưa chịu niêm yết. Ảnh: Nhật Minh
|
Trước BIDV, Công ty cổ phần du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu (Vungtau Tourist) từng IPO từ năm 2006, chào bán 5,7 triệu cổ phần và có nhà đầu tư chiến lược VinaCapital xung phong sở hữu gần 90% số này. Thế nhưng, nhiều năm qua công ty thường xuyên chia cổ tức tỷ lệ rất thấp vì lãi ít, thậm chí một số năm không chia cho cổ đông. Hiện tại, sau 8 năm từ khi chào bán lần đầu, doanh nghiệp này vẫn chưa niêm yết cổ phiếu.
Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Công ty Vungtau Tourist - ông Trần Tuấn Việt nói: "Hiện nay chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch niêm yết vì thị trường không thuận lợi, doanh nghiệp chưa tái cấu trúc xong, chưa có nhu cầu huy động vốn và chuẩn bị sẵn sàng các quy định, thủ tục khi lên sàn".
Theo ông Việt, nếu bị bắt buộc phải niêm yết, doanh nghiệp đành tuân thủ nhưng chắc chắn không tạo hiệu quả cao. Nhiều đơn vị đã niêm yết nhưng không chịu nổi áp lực phải xin tự nguyện hoặc bắt buộc rời sàn vì vi phạm đủ thứ quy định.
Cũng với lý do thị trường chưa thuận lợi, một số doanh nghiệp IPO xong lại không có kế hoạch niêm yết ngay sau đó, trong số này có Công ty Cảng Quy Nhơn. Hồi tháng 9, doanh nghiệp này vừa IPO thành công nhưng trao đổi với VnExpress.net khi đó, đại diện doanh nghiệp cho biết vẫn "chưa có kế hoạch lên sàn chứng khoán trong vòng một năm tới".
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng doanh nghiệp đã IPO nhưng không chịu niêm yết gây ảnh hưởng rất lớn các nhà đầu tư. "Ban đầu, các công ty chào bán, mời mọc nhà đầu tư mua cổ phần và hứa hẹn niêm yết nhưng lại không lên sàn như kế hoạch khiến cổ phiếu kém thanh khoản, thông tin doanh nghiệp mập mờ dẫn đến chôn vốn lâu dài. Tôi cho rằng có thể xem vấn đề này như hành vi lừa đảo. Trong khi đó, nếu không mua số cổ phần đó, nhà đầu tư có thể tìm những kênh khác sinh lời hơn, hoặc gửi ngân hàng", ông Hải đánh giá.
Chỉ tính riêng trong vòng 2 năm qua, thị trường có tới trên 50 doanh nghiệp đã IPO thành công nhưng đa phần đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi niêm yết trên sàn chứng khoán, theo thống kê của Stoxplus. Trong khi đó, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108 áp dụng từ ngày 15/11.
Theo đó, với thời hạn một năm, các doanh nghiệp đã IPO nhưng không niêm yết sẽ bị phạt tiền 100-150 triệu đồng. Ngoài ra, chứng khoán đã chào bán phải bị thu hồi và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, cộng thêm khoản lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Trường hợp trên chỉ loại trừ chứng khoán không đủ điều kiện niêm yết.
Tuy nhiên, tính khả thi của việc áp dụng nghị định này vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhất là trong bối cảnh lượng doanh nghiệp niêm yết ngày một hẻo, chỉ bằng một phần ba số rời sàn. Trưởng phòng Tư vấn tài chính doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Tân Việt - ông Nguyễn Minh Hưng cho rằng thực hiện chế tài đối với các đơn vị đã IPO có thể tạo ra nhiều bất cập, dù mục tiêu ban đầu của cơ quan quản lý là muốn bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cũng như thắt chặt thị trường OTC.
Xét từ góc độ doanh nghiệp, nếu sẵn sàng và mong muốn được niêm yết thì không rào cản nào có thể ngăn họ. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng, chuẩn bị không tốt thì dù bắt buộc niêm yết cũng không mang lại hiệu quả.
Theo chuyên gia này, hiện các công ty phải chịu nhiều sức ép và đa phần đều rơi vào tình trạng khó khăn, có đơn vị phải chật vật lắm mới tồn tại. Giả sử những đơn vị này từng IPO, họ cũng không đủ khả năng hoặc không đáp ứng được các điều kiện để lên sàn.
Ông Hưng phân tích thêm có thể xảy ra khả năng doanh nghiệp lách luật, không chịu IPO để né quy định buộc niêm yết. Thay vào đó, công ty có thể chào bán riêng lẻ đến một số nhà đầu tư lớn hoặc chuyển sang dạng chào bán trái phiếu. Trường hợp này, cơ quan chức năng càng khó quản lý hơn, ông Hưng nhận định.
Với góc nhìn lạc quan và cởi mở, chuyên gia phân tích có thâm niên 10 năm tại một quỹ đầu tư ở TP HCM lại ủng hộ quy định doanh nghiệp đã IPO sau một năm phải niêm yết. “Một khi gia nhập thị trường chứng khoán, doanh nghiệp cần tuân thủ luật lệ của sân chơi này giống như tham gia giao thông. Các quy định cần được chấp hành nghiêm túc để tạo một môi trường đầu tư minh bạch, công bằng hơn”, ông đánh giá.
Theo nhận xét của vị này, thực tế các quy định về IPO và niêm yết đều đã được đề cập trong Luật Chứng khoán từ lâu, Nghị định 108 chỉ là bước cụ thể hóa các chế tài. Doanh nghiệp IPO là hình thức huy động vốn, tức là đang hưởng quyền lợi, vì thế "họ cần niêm yết sau đó một năm để thực hiện nghĩa vụ của mình đối với nhà đầu tư. Trì hoãn vì bất cứ lý do gì cũng đều là ngụy biện", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm Nghị định 108 chỉ có thể đóng vai trò uốn nắn, răn đe các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán một cách tương đối. Bởi lẽ các cơ quan chức năng không đủ lực lượng "soi" tất cả các công ty đã IPO để xử phạt. "Trừ khi xảy ra xung đột, kiện tụng giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp về việc đã IPO nhưng trì hoãn lên sàn, Nghị định 108 khi đó mới được thực hiện mạnh mẽ, triệt để hơn", ông nói.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Sơn – Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng: “Khi doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra công chúng là đã được cơ quan quản lý cấp phép, trong trường hợp này nhà đầu tư phải được chúng tôi bảo vệ”.
Như vậy, doanh nghiệp đương nhiên phải chấp nhận việc tăng thêm áp lực, đó là nghĩa vụ vì cổ đông bỏ tiền ra cho công ty, vậy họ phải có trách nhiệm minh bạch về hoạt động của mình. “Không thể có chuyện doanh nghiệp nhận tiền của nhà đầu tư và bảo làm việc trong lĩnh vực xi măng rồi âm thầm chuyển sang kinh doanh sắt thép. Phải tạp áp lực cho những người quản trị điều hành, thông tin phải minh bạch, công khai thì hoạt động doanh nghiệp mới tốt được”, ông Sơn nhận xét.
Theo đó, ông Sơn cho rằng việc doanh nghiệp đã IPO và phải nghiêm túc niêm yết sau một năm là điều hợp lý. Tuy nhiên, vì nguyên tắc không hồi tố, những doanh nghiệp đã IPO trước thời điểm 15/11 vẫn không bị áp chế tài theo Nghị định 108, ông Sơn nói thêm.
Tường Vi - Hà Thanh