Trong khoảng 3 năm trở lại đây, giá bông biến động rất phức tạp, với quy mô, cường độ và tốc độ thay đổi chưa từng có tiền lệ trong suốt chiều dài lịch sử của ngành bông thế giới. Theo đánh giá của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, chính sự đột biến này đã tạo ra một đợt "sóng thần", đánh gục nhiều doanh nghiệp sợi Việt Nam vốn có tuổi đời còn non trẻ và tiềm lực tài chính còn hạn chế.
Cụ thể, hàng loạt hợp đồng mua bán bông không thể thực hiện vì những tổn thất tài chính dự kiến cho phía người mua là quá lớn, vượt xa khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
Từ đó, nhiều vụ khiếu kiện, tranh chấp đã xảy ra, và hệ quả cuối cùng là hàng loạt các phán quyết của ICA - Tổ chức trọng tài quốc tế về bông, đã được đưa ra với những mức phạt tài chính nặng nề áp lên các doanh nghiệp sợi Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đối mặt với các áp lực từ lạm phát, tín dụng thắt chặt, chi phí gia tăng thì việc thực thi nộp phạt theo những phán quyết này dường như là nhiệm vụ bất khả đối với các doanh nghiệp. Do đó, theo đúng quy định của ICA, các doanh nghiệp không thực thi phán quyết đã bị đưa vào danh sách vi phạm, một hình thức "cấm vận mua bông" của ICA.
Việc có được nguồn cung bông ổn định, với chất lượng rõ ràng, minh bạch, với giá bán hợp lý là một yếu tố quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sợi.
Song, với bối cảnh hiện tại, Hiệp hội Bông sợi đánh giá, việc bị đưa lên danh sách vi phạm của ICA (đại diện cho 85% tổng lượng bông giao dịch toàn cầu) đã buộc nhiều doanh nghiệp phải tìm tới những nguồn cung bông không ổn định, chưa đáng tin cậy, gây nhiều xáo trộn và áp lực lên kế hoạch sản xuất, chất lượng thành phẩm, cũng như công tác hoạch toán của doanh nghiệp.
Điều quan đáng quan ngại là, phía đối tác bán bông lại đang dồn dập gây áp lực đồng thời, không những lên từng doanh nghiệp vi phạm mà còn cả lên Chính phủ, Bộ Tư Pháp, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các tổ chức có liên quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt May, Hiệp hội Bông Sợi…
Tất cả những động thái này đã khiến cho các vụ việc tranh chấp mua bán bông không chỉ còn gói gọn trong phạm vi ngành bông - sợi, mà đã ảnh hưởng ở tầm quốc gia. Hơn nữa, theo Hiệp hội Bông sợi, với những số liệu chi tiết mà tổ chức này có được từ ICA, số lượng và quy mô của các vụ tranh chấp tại Việt Nam (bao gồm đã đưa lên danh sách, đang ra phán quyết và đang xét xử) là rất lớn, cho thấy "mức độ trầm trọng, không thể làm ngơ của sự việc".
Dự kiến, ngày mai (6/10/2012) tại TPHCM, Ban Chấp hành Hiệp hội Bông sợi sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp các doanh nghiệp mua bông có tên trong "danh sách đen" của ICA. Thông điệp đưa ra trong văn bản triệu tập ghi rõ: "Chúng tôi thiết nghĩ đây đã là lúc các doanh nghiệp sợi Việt Nam không thể giữ thái độ im lặng, "đèn nhà ai nhà nấy rạng". Chúng ta cần ngồi lại với nhau để tập hợp ý kiến, thống nhất quan điểm, từ đó tìm giải pháp từng bước giảm bớt áp lực và tiến tới tháo gỡ các phán quyết của ICA với thiệt hại tối thiểu cho doanh nghiệp."
Trao đổi với
Dân trí, đại diện Hiệp hội Bông sợi cho biết, trước khi có kết quả quyết định cuối cùng giữa các phía, việc cung cấp các thông tin liên quan là tuyệt đối hạn chế. Do đó, phương án để đưa các doanh nghiệp thuộc diện "cấm vận mua bông" ra khỏi tình huống tiến thoái lưỡng nan này sẽ phải chờ sau cuộc họp bàn ngày mai.
Theo Bích Diệp
Dân trí