Giá dầu giao cuối năm cao hơn hiện tại là động lực khiến nhà đầu tư sẵn sàng kiếm lợi nhuận bằng cách dự trữ các sản phẩm dầu và dầu mỏ để bán trong tương lai.
Từ giữa năm ngoái, giá dầu đã giảm 60% do Mỹ bơm thêm dầu đá phiến ra thị trường và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) phớt lờ các lời kêu gọi cắt giảm sản lượng. Tất cả diễn biến này đã làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung trên toàn cầu. Chỉ số STOXX 600 Oil & Gas theo dõi cổ phiếu của 28 hãng dầu khí đã giảm 4,9% trong tháng này.
Tuy nhiên, cổ phiếu Royal Vopak - hãng kinh doanh bể chứa dầu độc lập lớn nhất thế giới, lại tăng 15%. "Chúng tôi không biết cụ thể về tỷ lệ các bể được lấp đầy, nhưng thông tin từ các công ty cho biết nhu cầu chứa dầu đang tăng lên", Ronald Backers - cố vấn giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Cảng Rotterdam cho biết trên Bloomberg.
|
Royal Vopak hiện là hãng kinh doanh bể chứa dầu độc lập lớn nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg
|
Các nhà máy lọc dầu, doanh nghiệp kinh doanh bể chứa dầu và các nhà đầu tư trong lĩnh vực dự trữ dầu đang hưởng lợi khi giá dầu thô giảm sâu xuống dưới 45 USD một thùng hiện tại, nhưng dầu giao cuối năm nay lại có giá cao hơn. Vitol, Mercuria Energy và Gunvor nằm trong số những công ty sẵn sàng kiếm lợi nhuận bằng cách dự trữ các sản phẩm dầu và dầu mỏ để bán trong tương lai.
"Nhu cầu dự trữ dầu đang tăng lên đáng kể trong giới đầu tư muốn kiếm chác từ dịp hiếm hoi này", Martijn den Drijver - nhà phân tích tại công ty chứng khoán SNS cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Mercuria - hãng kinh doanh dầu độc lập lớn thứ tư thế giới, sở hữu khoảng 40 triệu thùng dự trữ tại các địa điểm từ Mỹ, Nam Phi, Trung Quốc tới Bỉ và Hà Lan (theo thông tin trên trang web công ty này). Họ đang tìm kiếm các điểm dự trữ trên đất liền của mình để phục vụ cho cuộc chơi này, Matt Lauer - phát ngôn viên của công ty cho biết. Mercuria không dự trữ trên các kho nổi của tàu chở dầu.
OPEC đóng góp khoảng 40% sản lượng dầu mỏ trên thế giới. Họ đã nhấn mạnh hàng chục lần trong vòng 6 tuần qua rằng sẽ không cắt giảm sản lượng để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn. Tổ chức này đã quyết định duy trì sản xuất tại 30 triệu thùng một ngày tại cuộc họp tháng 11 năm ngoái. Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, trong tháng 12/2014, sản lượng bình quân của các nước thuộc OPEC vào khoảng 30,24 triệu thùng một ngày.
Gunvor - hãng kinh doanh dầu độc lập lớn thứ năm thế giới hiện dự trữ hơn 10 triệu thùng dầu. Năm 2009, hãng đã đạt lợi nhuận kỷ lục 621,2 triệu USD nhờ tình trạng thị trường tương tự hiện tại.
Vopak sở hữu 89 cảng dầu với tổng công suất dự trữ hơn 195 triệu thùng. Martijn den Drijver cho rằng 20-30% sản phẩm của công ty sẽ được dành riêng cho các hợp đồng ngắn hạn - giúp Vopak hưởng lợi từ nhu cầu dự trữ dầu giao ngay ngày càng tăng. Vopak cũng kiếm lời từ dòng tiền ổn định được tạo ra từ việc dự trữ dầu, khi lợi nhuận từ các loại hình đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn.
90% địa điểm dự trữ dầu toàn cầu hiện được kiểm soát bởi các nhà sản xuất lớn như Royal Dutch Shell, BP hay Chevron, theo den Drijver. Điều đó có nghĩa chỉ một phần nhỏ kho dầu trên đất liền là có sẵn để các thương nhân độc lập cho thuê nhằm khai thác thị trường đầu cơ vốn đã chiếm ưu thế từ tháng 7 năm ngoái.
Một số nhà kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới đã chuyển sang tìm kiếm các kho chứa nổi trong các tàu chở dầu để tận dụng lợi thế từ tình hình đầu cơ trên thị trường. Vitol, Koch Industries, Shell và Trafigura Beheer đã đặt chỗ tại các tàu chở dầu để dự trữ dầu thô tại biển.
Lần cuối cùng thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng "contango" (giá hợp đồng tương lai cao hơn hiện tại) là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Khi ấy, các thương nhân đã dự trữ 100 triệu thùng dầu trên biển, Frontline - một chủ tàu cho biết.
Giá dầu Brent trong hợp đồng giao tháng 8 hiện là 53,11 USD một thùng, cao hơn 7 USD so với giá tháng 2. Khoảng cách cần duy trì để đủ trang trải cho việc thuê tàu và các chi phí khác liên quan đến dự trữ dầu thô phải vào khoảng 6,5 USD, theo Gibson Shipbrokers.
Quân Tạ