Theo số liệu của Công ty phân tích thị trường Agromonitor, năm 2013, tốc độ tăng trưởng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp chỉ đạt 1,2%, mức thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, với gần 13,4 triệu tấn. Trong đó, sản lượng thức ăn cho thủy sản tăng mạnh, tới gần 20%, còn sản lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm lại giảm 3%.
Điều này được lý giải là do sự tăng trưởng tốt của ngành thủy sản trong xuất khẩu; ngược lại, ngành chăn nuôi trong nước trồi sụt, đặc biệt là giá thịt lợn có dấu hiệu suy giảm từ giữa năm 2012 đến giữa năm 2013, nên nhu cầu tiêu dùng thức ăn chăn nuôi cũng giảm theo. Tuy vậy, nước ta vẫn đã phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu và nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Riêng năm 2013, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đạt trên 3 tỷ USD, tăng 25,4% so với năm 2012.
Sang năm 2014, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi bền vững do sức mua tiêu dùng nội địa vẫn thấp. Cùng với đó là sức ép đến từ nhập khẩu bò sống đối với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm. Giám đốc Agromonitor Trần Ngọc Yến cho biết, nhập khẩu bò sống từ Australia rồi giết mổ tại Việt Nam tăng mạnh trong năm 2013 với mức tăng gấp 4 lần về giá trị so với năm 2012. Kể từ tháng 6.2013 trở lại đây, trung bình mỗi tháng có khoảng 3.000 - 4.000 con bò sống được nhập về qua cảng Tân Cảng - Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) và 2.000 - 3.000 con nhập về qua cảng Hải Phòng, với trọng lượng trung bình mỗi con khoảng 250kg.
Thị phần của các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi còn có thể bị ảnh hưởng bởi một dấu hiệu nữa. Đó là tình trạng tỷ lệ hộ nuôi sử dụng thức ăn tự trộn tăng mạnh, đặc biệt tại khu vực phía Nam, do giá nguyên liệu giảm trong khi giá thành thức ăn chăn nuôi thành phẩm không giảm tương ứng. Thêm vào đó, dự kiến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) sẽ được ký kết trong năm nay sẽ đưa ngành chăn nuôi và thủy sản vào thế phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm thịt nhập khẩu, đặc biệt là thịt bò, thịt lợn và thịt gà. Điều này có thể là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng sản lượng thức ăn chăn nuôi đang có dấu hiệu chững lại trong năm 2014.
Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan tháng đầu năm cũng cho thấy, cả nước đã nhập khẩu 202,6 triệu USD thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm 7,48% so với tháng 1.2013. Theo dự báo của Bộ Công thương, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thế giới năm 2014 sẽ giảm do nguồn cung nguyên liệu chế biến dồi dào. Ở thị trường trong nước, do nhu cầu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu suy giảm, cùng với đó là lượng nhập khẩu về từ cuối năm vẫn còn đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước nên giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sẽ giảm nhẹ.
Theo Nguyên Hương