Ngày 28/7, xung quanh vấn đề đảm bảo cuộc sống cho người dân khu bãi rác Đông Thạnh, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa yêu cầu ngành tài nguyên môi trường phải lên kế hoạch di dời nhà máy xử lý chất thải nguy hại (của ngành y tế) về Phước Hiệp theo quy hoạch trong vòng 12 tháng.
"Phải xây dựng một nhà máy xử lý rác thải nguy hại theo công nghệ mới nhất để xử lý tốt ô nhiễm môi trường", ông Khoa nhấn mạnh.
Ông Khoa cũng yêu cầu Sở Tài chính trong tháng 8 phải tăng tiền trợ cấp độc hại cho người dân khu vực này. Mức trợ cấp 25.000 đồng cho mỗi người một tháng, từ năm 2004 đến nay, là không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn được chỉ đạo cung cấp nước sạch cho các hộ dân, đến cuối năm toàn thành phố phải được sử dụng nước sạch.
|
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đi kiểm tra bãi rác Đông Thạnh ngay sau buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thiên Ngôn
|
Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường cho biết đã lấy một số mẫu xung quanh khu vực đặt lò đốt rác nguy hại đi phân tích, có mẫu đạt tiêu chuẩn nhưng cũng có mẫu không đạt.
"Bãi rác Đông Thạnh đã đóng cửa nhưng do trước đây là bãi rác tự phát nên phía dưới vẫn chưa được xử lý để khống chế ô nhiễm. Hơn thế, nước rỉ rác vẫn đang là vấn đề nan giải vì nước do mưa thấm vào. Kinh phí để che mưa toàn bộ bãi rác rất lớn nên chưa được UBND TP phê duyệt", đại diện Sở Tài nguyên Môi trường nói.
Sở Y tế đã khám sức khỏe cho 1.793 người khu vực xung quanh bãi rác Đông Thạnh. Người dân ở đây chủ yếu mắc các bệnh không lây như khớp, viêm mũi… và tỷ lệ mắc bệnh ung thư so với những nơi khác không có dấu hiệu bất thường.
Trước đó, hôm 11/5, sau khi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã đến bãi rác Đông Thạnh. Chứng kiến cuộc sống đầy ô nhiễm của người dân xung quanh, ông Thăng ra "tối hậu thư": "Nếu bãi rác Đông Thạnh không đảm bảo môi trường yêu cầu dừng hoạt động ngay, công ty Môi trường đô thị phải làm rõ trách nhiệm trong vụ này". Ông cũng yêu cầu khám và trị bệnh cho người dân bị ảnh hưởng.
Ngọc Hậu