Cập nhật lúc:
3/28/2016 9:01:56 AM
Hàng nghìn hộ dân trồng mía ở các tỉnh miền Tây như đang “ngồi trên lửa” vì cây mía gặp cảnh hạn mặn chết khô từng ngày.
Những ngày cuối tháng 3, chạy dọc theo các cánh đồng mía bạt ngàn ở Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang không khó để bắt gặp hình ảnh người nông dân đang miệt mài “cứu mía” trước sự bao vây của hạn mặn.
Ông Võ Văn Quân 58 tuổi, ngụ ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng hơn nửa đời người gắn với nghề trồng mía, nhưng khi nói về nghề, ông cũng phải ngậm ngùi thốt lên hai từ “mía đắng”.
“Gia đình tôi có hơn 0,5 ha đất trồng mía. Tính đến thời điểm này tiền đầu tư đã gần 40 triệu đồng, nhưng chắc vài ngày nữa thôi là ruộng mía chết sạch”, ông Quân nói.
Thời tiết bất lợi, ông Quân phải xuống mía giống đến ba lần, nhưng từ sau Tết Nguyên đán, cây mía đang trong giai đoạn phát triển tốt, chữ đường cao thì gặp hạn hán, nước mặn bao vây khắp vùng Cù Lao Dung.
“Ban đầu nước mặn tràn vào ruộng mía, tính đâu một hai ngày nước rút, ai dè nó kéo dài và đến khi nước mặn xuống thì gặp cảnh khô cạn. Vợ chồng tôi chỉ biết đứng nhìn mấy công mía chết khô”, bà Thoa vợ ông Quân cho biết thêm.
Ông Quân bên vườn mía cháy khô vì hạn mặn.
Ở ấp Đoàn Văn Tố hàng nghìn hộ dân khác cũng đang đứng trước nguy cơ nợ nần như ông Quân. Bà Trần Thị Khanh có gần 2 ha đất trồng mía đang chết dần từng ngày.
“Nếu tính sơ sơ thì mùa vụ này tôi thua lỗ vài chục triệu đồng tiền đầu tư. Cứ cái đà này kéo dài chắc mấy đứa nhỏ phải lên Bình Dương hay Đồng Nai làm thuê kiếm sống”, bà Khanh tâm sự.
Tương tự, người trồng mía ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cũng đang lo sốt vó. Ngồi bên ruộng mía hơn 10 tháng tuổi của gia đình, ông Trần Văn Ân ở xã Trí Phải buồn so: “Các vụ mùa trước, mía trồng khoảng 10 tháng tuổi, thân sẽ cao từ 2,5 đến 3m. Nhưng năm nay thiếu nước tưới, hạn mặn tấn công làm cây mía phát triển èo ọt, cao chưa đầy 1,5m, chữ đường thấp”.
Còn ông Nguyễn Văn Thêm ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang có hơn 2 ha đất trồng mía khẳng định năm nay người trồng mía chắc chắn thua lỗ. “Các năm trước giá mía nguyên liệu bấp bên, đầu vụ giá mía mới nhích lên chút ít, nông dân chưa kịp mừng thì gặp đại hạn. Một số hộ kêu thương lái đến bán mía non, nhưng không ai mua vì cây mía khi ăn có vị mặn chát. Tiền bạc của gia đình có bao nhiêu đã đầu tư vào rẫy mía, nhưng nay thì trắng tay”.
Ở các vùng trồng mía hiện nay, nhiều gia đình đã phải cho con em đi làm thuê kiếm sống. Ông Quân cho biết, với số tiền thua lỗ gần 40 triệu đồng, vừa rồi hai đứa con của ông phải theo bạn bè trong xóm lên Đồng Nai tìm việc làm phụ giúp cha mẹ.
Ngành nông nghiệp ở các địa phương có diện tích đất trồng mía cho biết, độ mặn đo được dưới các kênh trong nội đồng hơn 15 o/oo. Với độ mặn này cây mía không thể nào sống được.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng - Huỳnh Ngọc Vân cho biết, đã có hơn 7.000 ha mía của bà con ở huyện Cù Lao Dung bị thiệt hại do nắng nóng và xâm nhập mặn. Trong đó, diện tích bị mất trắng khoảng 1.200 ha; bị thiệt hại từ 50% trở lên gần 700 ha; còn lại hơn 5.000 ha bị thiệt hại từ 30% đến 50%. Năng suất giảm còn trên dưới 30 tấn một ha, chất lượng chữ đường cũng giảm mạnh.
Tại Cà Mau, ông Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở nông nghiệp thông tin, nước mặn đã tấn công vào các vùng quy hoạch trồng mía của huyện Thới Bình, đã có hơn 750 ha bị ảnh hưởng.
Để giảm bớt thiệt hại, ngành nông nghiệp ở các địa phương này khuyến cáo người trồng mía đẩy nhanh tiến độ thu hoạch (có trên 2.000 ha mía được thu hoạch xong ở huyện Cù Lao Dung), đồng thời khuyến cáo nông dân không xuống giống vụ mới mà đợi đến mùa mưa vào khoảng tháng 6 tới.
Về lâu dài, ông Nguyễn Hoàng Lâm, trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho rằng cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. “Phòng đang có phương án trình các cơ quan chức năng phê duyệt để chuyển đổi từ mía sang trồng một số loại cây khác”, ông Lâm nói.
Phúc Hưng
Theo: www.vnexpress.net