Cách đây 4 tháng, qua lời giới thiệu của người quen, chị Trần Thị Thủy (ấp An Phú A, xã Long An, H.Long Hồ) mua 3 kg sâu về nuôi. Do dễ nuôi, lớn nhanh nên chỉ mới mấy tháng mà số lượng sâu của chị Thủy đã tăng lên gần 200 kg và xuất bán được hàng chục ký cho những người nuôi chim, cá cảnh.
“Thấy hàng xóm nuôi sâu có lời nên tôi mua về nuôi nhằm kiếm thêm thu nhập chứ không biết đây là sâu gì. Mặc dù chỉ nuôi 3 kg sâu giống (giá 100.000 đồng/kg) nhưng gia đình tôi phải mua dụng cụ nuôi khoảng 15 triệu đồng. Thức ăn cũng dễ tìm, chỉ cần lấy cám trộn với các loại rau củ hư, thối cho ăn chúng cũng lớn nhanh”, chị Thủy cho biết.
Theo chị Thủy, nuôi loại sâu này chỉ cần các khay chất chồng lên cao trong nhà là được. Ngoài bán cho những người nuôi chim, cá ở địa phương, chị Thủy còn bỏ mối sâu tại TP.Vĩnh Long và TP.HCM với giá 100.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ nông nghiệp xã Long An (H.Long Hồ), cho biết: “Tháng 2.2014, UBND xã phát hiện tại ấp An Phú A có 2 hộ nuôi sâu lạ. Lúc đó chúng tôi chưa biết là sâu gì, sau mới xác định đó là sâu Superworm. Người nuôi đầu tiên cũng đã gần 1 năm, hiện có trên 300 khay sâu các loại. Chúng tôi đã báo về trạm bảo vệ thực vật.
Đến tháng 4, trạm kết hợp với lực lượng chức năng kiểm tra thì phát hiện có 4 hộ đang nuôi 570 khay sâu. Bình quân mỗi khay khoảng 1,5 kg. Chúng tôi đã lập biên bản và buộc các hộ trên cam kết tiêu thụ hết số lượng sâu này, không được nhân ra, phát tán”.
Quan sát các hộ nuôi sâu Superworm, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều không có tường bao, lưới che... Sâu nở được 2 tuần sẽ được xuất bán thương phẩm với giá từ 70.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại. Điều nguy hiểm là sau khi xuất bán, người nuôi thường đổ phân, cám thừa ra vườn để bón cho cây ăn trái và tiếp tục đợt nuôi mới, dẫn đến nguy cơ sâu tiếp tục phát triển, gây hại ra môi trường rất lớn.
Ngày 16.5, Sở NN-PTNT Vĩnh Long có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và ngăn chặn với mọi hình thức việc nhân nuôi sâu Superworm.
Trước đó, ngày 24.4, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng đã có công văn gửi Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố nêu rõ: Sâu Superworm là loại côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chu kỳ sinh trưởng nhanh, chưa có tên trong danh sách vật nuôi nông nghiệp và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Vì vậy, việc vận chuyển, nhân nuôi, buôn bán, phóng thích là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Thanh Đức