Cơ quan quản lý đã cấp gần 360 mã số giao dịch cá nhân cho nhà đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đầu năm, gấp 2,5 lần cùng kỳ 2012.
Theo tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 10 đã có thêm 52 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch, tăng 13% so với tháng trước và gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm, cả nước đã có 604 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, số nhà đầu tư cá nhân lên tới 357 người (chiếm 62%) và gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số nhà đầu tư tổ chức cũng đạt 229 đơn vị, tăng 23 đơn vị so với cùng kỳ.
|
Số cá nhân, tổ chức được cấp mã giao dịch 10 tháng đầu năm. Nguồn: VSD
|
Việc cấp mã giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy sự quan tâm của khối ngoại với thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này cũng được thể hiện qua những đánh giá lạc quan của lãnh đạo VOF - quỹ ngoại lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam do VinaCapital quản lý.
Theo báo cáo gửi tới các nhà đầu tư, ông Steven Bates - Chủ tịch VOF nhận định thị trường Việt Nam rất có triển vọng trong trung hạn và vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Kinh tế vĩ mô Việt Nam đã cải thiện sau khi đối mặt với những thách trong giai đoạn 2008-2010 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính sách của Chính phủ cũng minh bạch và ổn định hơn, ít yếu tố gây bất ngờ khi gặp với những khó khăn đột xuất.
Thị trường chứng khoán tiếp tục phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều năm với dự đoán một sự hồi phục kinh tế trong dài hạn. Hơn nữa, tỷ giá giữa tiền đồng với đôla Mỹ ổn định cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi nhuận tốt hơn.
|
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới quan tâm thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Financial Post
|
Trao đổi với báo chí tại Hội nghị thường niên các nhà đầu tư ngày 17/10, ông Andy Ho - Giám đốc đầu tư VOF cũng cho hay với những tín hiệu ổn định dần xuất hiện, nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới đã lộ diện và đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Vị này dự báo, nếu kinh tế vĩ mô khả quan hơn, chỉ số VN-Index có thể tăng lên mức 530 điểm vào cuối năm. "Những doanh nghiệp niêm yết thuộc các lĩnh vực phòng vệ như hàng tiêu dùng, y tế, và nông nghiệp sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận khả quan", ông nói.
Trong diễn biến tích cực này, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong hai tháng qua khối ngoại đã liên tục mua ròng trên cả hai sàn, tổng giá trị 1.957 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái sau khi đã bán ròng hai tháng trước. Việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cũng là một yếu tố thúc đẩy thị chỉ số chứng khoán tăng điểm trong tháng qua (VN-Index tăng 0,1%, trong khi HNX Index tăng 1,1%).
Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ thể hiện qua dòng vốn đầu tư gián tiếp(FII) đổ vào thị trường chứng khoán tăng mà còn thể hiện qua số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 10 tháng đầu năm, cả nước đã thu hút được hơn 19,2 tỷ vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt chỉ tiêu đã đề ra đầu năm (13 - 14 tỷ USD). Vốn giải ngân cũng đạt gần 9,6 tỷ USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Andy Ho, thị trường Việt Nam vẫn còn một số rủi ro cần để mắt đến như lạm phát cao có thể tái diễn, sức khỏe của hệ thống ngân hàng, nợ xấu chưa được xử lý... Song, VinaCapital vẫn khẳng định cơ hội đầu tư dài hạn tại Việt Nam rất lớn và quỹ sẽ tận dụng triệt để các cơ hội này.
Phương Linh