Nhang càng thơm càng độc
Khảo sát thị trường nhang tại các chợ như: Tân Định (quận 1), Bình Tây (quận 6), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh),… hiện có khoảng 50 thương hiệu có xuất xứ từ Chợ Lớn, Bắc, Trung đến hàng Trung Quốc, Thái Lan, với nhiều mẫu mã từ cây dài, khoanh, không chân đến nhang cục… có giá bán từ 5.000-125.000 đồng tùy loại.
Về mùi hương, chỉ riêng mỗi hương trầm đã có gần chục cấp độ từ trầm thường, trầm nhẹ, trầm xạ, trầm Nam, trầm Huế đến trầm đặc biệt. Ngoài ra còn có các mùi khác như: quế, sứ, lài, cúc cho đến mùi thơm của nhang Thái…
Thế nhưng, hầu như nhang đang bày bán trên thị trường lại không ghi thành phần, hương liệu sử dụng. Nguyên liệu sản xuất hiện do các lò tự làm và đang bị thả nổi, chưa có sự kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng.
Ông Lý T., chủ cơ sở HN chuyên cung cấp vật liệu làm nhang ở đường Bình Tiên, quận 6 xác nhận, không ai có thể biết được các lò nhang pha chế hương như thế nào, liều lượng sử dụng ra sao, bởi mỗi nơi có “bí quyết” riêng, và chỉ thành công ở một vài sản phẩm trong số hàng chục loại. Song ông T. không phủ nhận, mùi hương của nhang là hóa chất, đặc biệt là mùi trầm được tẩm từ “tinh trầm” Diamond, Clock… Thậm chí có cả hàng không nhãn mác đựng trong bình nhựa từ Trung Quốc, Ấn Độ…
“Mục sở thị” một lò nhang ở phường Tân Phong, quận 7, cho thấy, quy trình tẩm hương khá đơn giản: nhang thành phẩm đã phơi khô được xịt vào một loại dung dịch đã pha sẵn từ mùi hương+cồn (cồn càng nhiều, càng có lợi cho nhà sản xuất). Mỗi bình loại thường dùng để xịt sâu rầy tẩm được từ khoảng 18.000-20.000 cây tùy theo kích cỡ. Sau đó để nhang “ngấm” thuốc khoảng 5-10 phút, rồi đóng bao bì mang đi tiêu thụ.
Một số “lò” ở khu Hòa Bình - Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, thì pha hương liệu trong thùng phuy rồi nhúng nhang vào. Với loại “nhang thơm đặc biệt”, mùi hương còn được trộn nhiều lần ở khâu làm bột, nhằm giữ mùi nồng lâu hơn.
Theo BS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng Khoa Tai-Mũi-Họng Đại học Y dược TP.HCM thì, do mùi hương từ nhang được tẩm từ hóa chất công nghiệp, nên khi đốt mỗi khi hít phải thường gây ra hắt hơi, cay mắt… Đặc biệt, với những người có bệnh viêm mũi thường xuyên sử dụng nhang thơm thì bệnh không thiên giảm, dễ bị tái phát với cấp độ ngày càng nặng hơn.
Bỏ tiền thật, đốt tiền giả!
Thị trường hàng mã phục vụ “cõi âm” rất phong phú, đa dạng với đủ loại mặt hàng “trần gian có gì, âm phủ có nấy”…
Chẳng hạn tại chợ Bà Chiểu, chuyên bán đồ hàng mã “hoành tráng” như: biệt thự, xe hơi, du thuyền…thu nhỏ có “thương hiệu” và khá tinh xảo nhờ công nghệ in ấn hiện đại. Giá bán mỗi món thấp nhất là 250.000 đồng đến cả triệu đồng/sản phẩm tùy loại, được cung cấp từ các “lò” quanh khu vực chùa Long Vân, đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh.
Bà Nguyễn Thị Liêng, bán hàng mã, nhang đèn ở chợ này cho biết: “Gần đây, rất nhiều người quan tâm đến việc cúng tế, nhờ vậy mà tiểu thương chúng tôi cũng sống được. Trung bình, cứ mỗi khách đến mua là phải tốn vài ba trăm ngàn để mua bộ lễ”.
Còn tại chợ Bình Tây, chợ Thiếc, quận 11 thì “chuyên trị” các loại “xế hàng mã” kiểu dáng như Vespa Piagio LX , Honda SH, Spacy…, hay đồ gia dụng như các dàn Hi end, tivi LCD, Iphone, Ipad, laptop… đủ “thương hiệu nổi tiếng”. Mỗi món có giá bán từ 150.000-1,2 triệu đồng, tùy theo kích cỡ, độ "tinh xảo" của món hàng.
Bà Lý Muội Linh, bán hàng mã ở chợ Thiếc cho biết, mùa Vu Lan ngoài việc đóng hàng cho các tỉnh từ miền Trung đến Cà Mau, mỗi ngày tại sạp bán ra cả trăm món hàng.
Trong khi đó, theo “bật mí” của ông Trương Minh, chủ cơ sở TM sản xuất hàng mã ở đường Hòa Bình, quận Tân Phú, chỉ cần kinh doanh mùa Vu Lan là có thể “mua đất, xây nhà như chơi”. Công nhân phải tăng ca liên tục hơn 2 tháng qua.
Thực hiện theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng, hiện nhiều chùa tại TP.HCM chủ trương không đốt vàng mã mà dành tiền làm việc từ thiện. Song, tại tư gia việc này vẫn còn nhiều và có xu hướng tăng mạnh do quan niệm “càng khó khăn, càng cúng tế để cầu mong vượt qua trở ngại”?!
Theo Trần Nhã
Infonet